Hiện tượng nhau thai bám thấp có nguy hiểm cho mẹ và con không?

Có khoảng 5% bà bầu gặp phải triệu chứng nhau thai bám thấp trong thai kỳ. Tình trạng này làm gia tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, gây nguy hiểm đến sức khỏe mẹ và bé trong quá trình vượt cạn.

Thế nào là nhau thai bám thấp?

Theo thống kê, có khoảng 5% bà bầu khi bước sang giai đoạn tuần thứ 18 – 20 gặp phải triệu chứng nhau bám thấp. Theo đó, thay vì bám ở vùng đáy tử cung, bánh nhau sẽ nằm vào vị trí sát lỗ trong cổ tử cung. Tại vị trí này, bánh nhau sẽ có hiện tượng không giãn đồng bộ với bộ phận cơ gần cổ tử cung. Hậu quả là bánh nhau bị bóc tách khỏi niêm mạc tử cung gây chảy máu.

Những vị trí khác nhau của nhau thai - Ảnh minh họa: Internet

Dấu hiệu nhau thai bám thấp thường dễ nhầm lẫn với nhiều triệu chứng khác khi mang thai. Do đó, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp siêu âm (siêu âm qua âm đạo, siêu âm qua bụng) hoặc chụp cộng hưởng từ để đưa ra kết luận bà bầu có bị nhau thai bám thấp hay không.

Nhau bám thấp làm gia tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, ảnh hưởng đến mẹ và bé trong quá trình vượt cạn - Ảnh minh họa: Internet

Hiện tượng nhau thai bám thấp là nguyên nhân làm cản trở đường đi của thai nhi trong quá trình chuyển dạ. Lúc này, cổ tử cung bắt đầu mở làm nhau thai tràn ra ngoài gây ra tình trạng mất máu. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. Trong thai kỳ, nhau thai bám thấp khiến tỉ lệ sảy thai hoặc sinh non tăng cao đến 40%.

Nguyên nhân và cách điều trị nhau thai bám thấp

Theo các bác sĩ, đến thời điểm hiện tại y học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra tình trạng nhau thai bám thấp. Nhiều quan điểm cho rằng tử cung người mẹ bị dị dạng hoặc có tiền sử nạo hút thai có tỉ lệ nhau thai bám thấp cao hơn so với những bà bầu khác.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến giải thích tình trạng này xảy ra cho chế độ ăn uống không đảm bảo dinh dưỡng của bà bầu làm nhau thai trải rộng diện tích nhằm bù trừ tình trạng thiếu hụt dưỡng chất. Nhau thai lúc này sẽ tràn xuống khu vực dưới lỗ tử cung.

Bà bầu nên đi khám thai định kỳ để kịp thời phát hiện tình trạng nhau bám thấp - Ảnh minh họa: Internet

Hiện nay, tình trạng nhau bám thấp chưa có biện pháp điều trị một cách cụ thể. Thông thường, các bác sĩ sẽ đưa ra những giải pháp nhằm giúp bà bầu bị nhau bám thấp hạn chế tối đa những rủi ro xảy ra cho mẹ và bé trong thời kỳ mang thai. Đến thời điểm chuyển dạ, các bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ sinh mổ để đảm bảo an toàn.

Để phòng ngừa hiện tượng nhau thai bám thấp, bà bầu nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời kết hợp khám thai định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường trong thai kỳ.

Bà bầu có hiện tượng nhau bám thấp cần nghỉ ngơi hoàn toàn, hạn chế di chuyển và cần bổ sung nhiều dưỡng chất quan trọng - Ảnh minh họa: Internet

Khi được chẩn đoán có hiện tượng nhau thai bám thấp, bà bầu cần dành toàn bộ thời gian nghỉ ngơi, giữ tinh thần thoải mái, tránh vận động nhiều và tuyệt đối không nên đi xe máy. Bà bầu cũng không nên sinh hoạt vợ chồng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con.

Hồng Ngân (T.H)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/hien-tuong-nhau-thai-bam-thap-co-nguy-hiem-cho-me-va-con-khong-c20a298996.html