Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính không có nhiều chuyển biến

'Có cơ quan rất nỗ lực cải cách thực chất, nhưng cũng có những cơ quan thực hiện một cách đối phó, hình thức'…

Cải cách không đồng đều

Đó là nhận định được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong Báo cáo tình hình triển khai các Nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ từ góc nhìn của DN, vừa được cơ quan này công bố.

Báo cáo cho thấy, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có những cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên, đang có sự cải cách không đồng đều, một số lĩnh vực liên tục có sự chuyển biến tích cực cả về xây dựng chính sách lẫn thực thi, nhưng một số lĩnh vực khác lại chưa có những cải thiện đáng kể trong nhiều năm qua.

“Nói cách khác, có cơ quan rất nỗ lực cải cách thực chất, nhưng cũng có những cơ quan thực hiện một cách đối phó, hình thức”, Báo cáo nêu.

Đánh giá về Việt Nam của Ngân hàng Thế giới trong loại Báo cáo Mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh (Doing Business) cũng cho thấy điều này. Cụ thể, từ 2009 đến 2020, Việt Nam có 33 cải cách được ghi nhận. Trong đó, hai năm có nhiều cải cách nhất là Doing Business 2016 và Doing Business 2018 với 5 cải cách mỗi năm. Hai năm trở lại đây, số lượng cải cách được ghi nhận giảm xuống chỉ còn 3 cải cách năm của Doing Business 2019 và 2 cải cách trong Doing Business 2020.

Năm nay, Doing Business 2020 tiếp tục ghi nhận cải cách duy nhất của Việt Nam ở lĩnh vực nộp thuế và tiếp cận tín dụng. Riêng lĩnh vực đăng ký tài sản (đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất) không có cải cách nào trong 13 năm qua. Bên cạnh đó, các lĩnh vực về đăng ký thành lập DN và tiếp cận điện năng vẫn tiếp tục được các DN đánh giá cao. Các lĩnh vực này vẫn liên tục có những cải thiện trong những năm trở lại đây và được các DN ghi nhận. Trong khi đó, các lĩnh vực về phá sản DN, bảo vệ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu vẫn chưa có những cải thiện đáng kể.

Mặt khác, khi so sánh tỷ lệ DN đánh giá có cải thiện giữa các năm từ 2017 đến 2019 thì thấy kết quả được đánh giá cao hơn rõ rệt. Tất cả 11 lĩnh vực của Nghị quyết 19 đều có sự cải thiện trong con mắt các DN. Điểm trung bình đã tăng từ mức 51,7% của năm 2017 và 2018 lên mức 57,5% của năm 2019. Đây là kết quả chứng tỏ nhiều biện pháp cải cách của các ngành và lĩnh vực trong các năm trước đó đã được DN ghi nhận.

VCCI công bố Báo cáo tình hình triển khai các Nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ.

VCCI công bố Báo cáo tình hình triển khai các Nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ.

Chi phí tuân thủ pháp luật có xu hướng giảm

Đáng quan tâm, các kết quả khảo sát cho thấy chi phí tuân thủ pháp luật của DN Việt Nam có xu hướng giảm trong nhiều năm qua. Mặc dù có sự cải thiện theo thời gian như vậy, song vấn đề thủ tục giấy tờ phức tạp vẫn là vướng mắc mà nhiều DN gặp phải khi chỉ có 56,9% các DN có nhận định rằng thủ tục giấy tờ là đơn giản.

Việc phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính cũng là một vấn đề đáng quan ngại nữa đối với các DN khi chỉ có 57,5% DN cho biết họ không phải đi lại nhiều lần. Đặc biệt, đây lại là đánh giá bị giảm điểm so với năm 2016 khi có đến 63,3% DN có nhận định này. Kết quả khảo sát PCI qua các năm cho thấy, vấn đề kiểm soát tham nhũng, giảm thiểu chi phí không chính thức đối với các DN trên phạm vi rộng vẫn có nhiều diễn biến phức tạp.

Điểm sáng đáng ghi nhận là tỷ lệ DN cho biết các DN cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức có xu hướng giảm từ mức 66% năm 2016 xuống mức 54,8% năm 2018.

Điểm sáng thứ hai là tỷ lệ các DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức đã giảm từ mức 9,1% năm 2016 và 9,8% năm 2017 xuống mức 7,1% trong năm 2018. Xét về mặt giá trị, chi phí dành cho tham nhũng đối với các DN cũng có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ DN cho biết chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được tăng từ mức 79% lên mức 81%.

Tuy nhiên, khi đi sâu vào “tham nhũng vặt” thì vẫn còn nhiều vấn đề. Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính không có nhiều chuyển biến. Năm 2018 vẫn có 58,2% các DN cho biết họ gặp nhũng nhiễu khi làm thủ tục hành chính.

Số lần thanh tra, kiểm tra bình quân thấp nhất ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Nghị quyết 35 yêu cầu việc thực hiện thanh tra, kiểm tra “theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

Kết quả khảo sát cho thấy, số lần thanh tra, kiểm tra bình quân hàng năm cao nhất ở Hà Tĩnh (2,3 lần), Bạc Liêu (2,1 lần), Sơn La (2,1 lần) và thấp nhất ở Hà Nội và TP HCM (cùng 1 lần/năm).

Tỷ lệ DN cho biết bị thanh tra, kiểm tra trùng lặp nội dung cao nhất ở Kiên Giang (19,7%), Lai Châu (19,5%), Điện Biên (17,9%), và thấp nhất ở Cần Thơ (1,3%), Tuyên Quang (3,9%), Quảng Ngãi (4,7%).

Nếu xét trên phạm vi cả nước, số lần thanh kiểm tra DN trong năm 2018 có xu hướng giảm so với năm 2017. Đặc biệt, tỷ lệ DN bị thanh kiểm tra từ 2 lần trong năm trở lên giảm mạnh từ 39,8% xuống còn 18,9%. Đây là mức giảm tương đối mạnh, chứng tỏ trên bình diện chung thì các cơ quan Nhà nước đã chấp hành Chỉ thị 20 của Thủ tướng và Nghị quyết 35. Tuy nhiên, vẫn có 18,9% DN cho biết họ bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên. Nếu tính tổng số lần thanh, kiểm tra trên tổng số DN thì có khoảng nửa triệu cuộc thanh kiểm tra DN là từ lần thứ hai trở lên.

Nếu xét trên phạm vi cả nước, số lần thanh kiểm tra DN trong năm 2018 có xu hướng giảm so với năm 2017. Đặc biệt, tỷ lệ DN bị thanh kiểm tra từ 2 lần trong năm trở lên giảm mạnh từ 39,8% xuống còn 18,9%. Đây là mức giảm tương đối mạnh, chứng tỏ trên bình diện chung thì các cơ quan Nhà nước đã chấp hành Chỉ thị 20 của Thủ tướng và Nghị quyết 35. “Tuy nhiên, vẫn có 18,9% DN cho biết họ bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên. Nếu tính tổng số lần thanh kiểm tra trên tổng số DN thì có khoảng nửa triệu cuộc thanh kiểm tra DN là từ lần thứ hai trở lên”, VCCI cho biết.

Cũng theo kết quả điều tra PCI, ở các địa phương, những cơ quan thanh tra, kiểm tra DN nhiều nhất là cơ quan thuế (39%), cơ quan an toàn phòng chống cháy nổ (30%), và quản lý thị trường (19%). Đối với riêng thanh tra, kiểm tra thuế, khảo sát về mức độ hài lòng của DN về TTHC Thuế năm 2019 chỉ ra rằng có khoảng 21% DN cho biết niên độ thanh/kiểm tra chồng chéo, trùng lặp và 23% nghĩ rằng nội dung thanh/kiểm tra bị trùng lặp. Một điều đáng lưu ý khác mà ngành thuế cần cải thiện đó là có đến 33% DN bày tỏ quan ngại rằng kết quả thanh tra, kiểm tra có thể bị suy diễn bất lợi cho DN.

Việc lựa chọn DN để thanh kiểm tra dựa trên cơ chế quản lý rủi ro cho độ chính xác tương đối tốt. Điều này cũng hàm ý rằng, khi hệ thống quản lý thuế trên cơ chế rủi ro tiếp tục được hoàn thiện trong những năm tiếp theo, việc thanh, kiểm tra sẽ dần đúng đối tượng hơn và giảm bớt gánh nặng đối với các DN tuân thủ tốt pháp luật thuế.

Theo kết quả khảo sát của VCCI, trong số các DN tự nhận có rủi ro từ trung bình đến rất cao, thực tế 61% DN đã bị cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra trong năm 2019. Như vậy, trong khi tỷ lệ trung bình DN trên toàn quốc bị thanh, kiểm tra thuế là khoảng 42% thì tỷ lệ DN tự nhận có rủi ro bị thanh tra, kiểm tra là 61% (cao hơn 19 điểm phần trăm so với tỷ lệ trung bình chung).

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hien-tuong-nhung-nhieu-khi-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-khong-co-nhieu-chuyen-bien-173982.html