Hiệp định bất ngờ của chính phủ Israel mở ra chương mới cho kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Trump?

Trang The Hill bình luận, chính phủ mới thành lập của Israel đang mở đường để kích hoạt những bước đầu tiên trong kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Donald Trump.

Với việc công bố kế hoạch thảo luận liên quan tới sáp nhập một số khu vực ở Bờ Tây vào mùa hè, đây được coi là một động thái đơn phương chủ chốt theo kế hoạch của Mỹ nhằm tái định hình khu vực. Nó cũng có thể đem tới cho Tổng thống Trump một chiến thắng chính trị từ những người ủng hộ thân Israel trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11.

Trong thỏa thuận cho "một chính phủ khẩn cấp quốc gia" đạt được vào hôm thứ hai (20/4) tại Israel, người đứng đầu đảng chính trị Xanh và Trắng Benny Gantz đã đồng ý với Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho phép các cuộc thảo luận sáp nhập được tiến hành.

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Benjamin Netanyahu (ảnh: getty images)

Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Benjamin Netanyahu (ảnh: getty images)

Hiệp định về sáp nhập là chính sách duy nhất bên cạnh vấn đề COVID-19 có thể đưa ra thảo luận được trong 6 tháng đầu tiên chính phủ liên minh được thành lập tại Israel. Kế hoạch hòa bình và sáp nhập của ông Trump là điểm mấu chốt trong thương lượng giữa hai nhà lãnh đạo sau một năm "sóng gió" với 3 cuộc bầu cử liên tiếp nhưng chưa đi tới kết luận cuối cùng.

"Để ông Netanyahu có thể tự do hành động, ông Gantz đã có một nhượng bộ chính sách lớn cho ông Netanyahu về một vấn đề có hệ quả mang tính dài kỳ", giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Đông tại Viện Brookings Natan Sachs nói.

Bắt đầu từ ngày 1/7, ông Netanyahu, trong tư cách thủ tướng sẽ được phép đưa vấn đề mở rộng chủ quyền lãnh thổ - được đề cập trong kế hoạch hòa bình của ông Trump, ra thảo luận giữa các thành viên nội các và bỏ phiếu tại Knesset (Quốc hội Israel).

Chi tiết của các cuộc thảo luận hiện vẫn chưa rõ, bao gồm liệu nó có kêu gọi các bước khởi đầu của quá trình sáp nhập đơn phương hay chỉ bỏ phiếu cho một hiệp định về sáp nhập nói chung, hoặc là một cơ hội để chối bỏ các động thái đơn phương bên ngoài thỏa thuận với người Palestine.

Biến kế hoạch hòa bình của ông Trump trở thành thực tế sẽ càng củng cố hơn nữa tuyên bố của tổng thống Mỹ rằng, chính quyền của ông là một trong những chính quyền thân Israel nhất.

Trước đó, ông Trump đã chuyển đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem, công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan và đơn phương rời khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Các động thái này đã nhận được lời ca ngợi từ thủ tướng Netanyahu và các nhóm bảo thủ trong cộng đồng thân Israel tại Mỹ.

Theo bà Tamara Cofman Wittes, một học giả cấp cao chuyên về chính sách Mỹ tại Trung Đông từ Viện Brookings, một phần không nhỏ các cử tri Đảng Cộng hòa và phần lớn cộng đồng tin lành tại Mỹ hướng về Israel và ông Netanyahu - "luôn là một nguồn ủng hộ quan trọng" cho Tổng thống Trump.

Hiệp định về thảo luận sáp nhập cũng là một chiến thắng chính trị quan trọng cho ông Netanyahu. Phiên tòa xét xử cáo buộc ông tham nhũng hiện được hoãn tới ngày 24/5 do dịch bệnh COVID-19.

"Trong thực tế, vấn đề sáp nhập là chính sách chính duy nhất không liên quan tới virus corona được đem ra thảo luận trong 6 tháng đầu tiên của chính phủ [liên minh mới thành lập], chính là một tuyên bố cho thấy nó quan trọng như thế nào đối với phe cánh hữu của Israel, cũng như cách họ nhận định về khả năng nó không được thực hiện nếu Tổng thống Trump không tái đắc cử", Michael Koplow, giám đốc chính sách của tổ chức Diễn đàn Chính sách Israel phân tích.

"Sáp nhập là ưu tiên chính sách hàng đầu của cánh hữu và đối với nhiều người, sự hỗ trợ của họ dành cho ông Netanyahu trong các vấn đề pháp lý của ông ấy còn tùy thuộc vào cách ông xử lý chủ quyền Bờ Tây", ông Koplow chỉ ra. "Việc nó được đề cập tới trong hiệp định có thể coi là một dấu hiệu về kết quả sắp diễn ra".

Từ tháng 2, giới chức Israel và Mỹ đã cùng làm việc để vạch ra các khu vực sáp nhập ở Bờ Tây, tái xác định các biên giới từng được nhắc tới trong các bản đồ trong kế hoạch hòa bình cho người Israel và Palestine - từng được chính quyền Trump công bố hồi cuối tháng 1.

"Mối quan hệ đối tác thân cận và hùng mạnh của chúng tôi với Israel tiếp tục không bị gián đoạn bởi sự hình thành chính phủ", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với tờ The Hill. "Liên quan tới vấn đề sáp nhập, chúng tôi sẽ vẫn tư vấn chặt chẽ với chính phủ và phía Israel, cũng như trong nhiều vấn đề khác nữa.

Theo một phân tích trên Diễn đàn Chính sách Isarel, trong bản đồ ban đầu mà kế hoạch hòa bình của chính quyền Trump vạch ra, Israel kiểm soát 30% Bờ Tây, bao gồm tất cả các khu định cư Do thái của Israel và các khu vực nơi người Palestine đang sinh sống.

Các bản đồ trên đã vấp phải sự từ chối quyết liệt từ giới lãnh đạo người Palestine. "Các anh có quyền gì mà sáp nhập đất đai của chúng tôi?", Chủ tịch chính quyền Palestine Mahmoud Abbas phát biểu tại Liên Hợp Quốc hồi tháng 2. "Các anh sẽ phá hủy cơ hội hòa bình".

Bà Wittes từ Viện Brooking cảnh báo, các động thái sáp nhập nhiều khả năng sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Mỹ và giới Arab, trong đó bao gồm cả hợp tác giữa chính quyền Trump với các nước Vùng Vịnh về quản lý giá dầu mỏ trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng kinh tế dưới tác động của đại dịch là gần như không thể tránh khỏi. "Đây có thể là một yếu tố làm phức tạp thêm mọi chuyện", bà Wittes nói.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/hiep-dinh-bat-ngo-cua-chinh-phu-israel-mo-ra-chuong-moi-cho-ke-hoach-hoa-binh-trung-dong-cua-tong-thong-trump-2020042111101419.htm