Hiệp định Paris về Việt Nam: Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của Hiệp định Paris về Việt Nam vẫn nguyên giá trị.

Toàn cảnh khai mạc hội nghị hòa bình quốc tế về Việt Nam, hay đàm phán hòa bình Paris, ngày 13/05/1968 tại Paris.

Toàn cảnh khai mạc hội nghị hòa bình quốc tế về Việt Nam, hay đàm phán hòa bình Paris, ngày 13/05/1968 tại Paris.

Cách đây 50 năm, ngày 27/01/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris về Việt Nam) được ký kết. Đó là thắng lợi của chính nghĩa dân tộc và thắng lợi của đoàn kết quốc tế.

Để ký được Hiệp định Paris, nhân dân Việt Nam đã phải đấu tranh kiên trì, khó khăn gian khổ về quân sự, chính trị và ngoại giao, mà trực tiếp là đấu tranh ngoại giao giằng co trên bàn Hội nghị Paris kéo dài gần 4 năm 9 tháng giữa Việt Nam và Mỹ. Trong lịch sử ngoại giao Việt Nam chưa bao giờ diễn ra một cuộc đàm phán lâu dài, gay go và phức tạp như Hội nghị này. Kết quả của Hội nghị không diễn ra theo thông lệ như các hội nghị ngoại giao trước đây, đó là xác định thắng lợi của nước lớn, sự phụ thuộc của nước nhỏ vào nước lớn mà ngược lại, nước lớn buộc phải chịu thua và phải thỏa thuận với nước nhỏ. Phía Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, trong đó Điều 1 ghi rõ: Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thắng lợi của Hiệp định Paris về Việt Nam có ý nghĩa lịch sử to lớn và bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Ý nghĩa lịch sử

Hiệp định Paris về Việt Nam đã tạo ra thắng lợi quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Thắng lợi của Hiệp định Paris đã buộc quân Mỹ và đồng minh phải rút khỏi miền Nam, nhân dân Việt Nam hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”. Đây là thắng lợi quyết định, bước ngoặt lớn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, tạo thời cơ thuận lợi để quân và dân Việt Nam tiếp tục tiến lên “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đúng như Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (07/1973) khẳng định: “Hiệp định Paris đã ghi lại những thắng lợi rất to lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta”.

Thắng lợi của Hiệp định Paris về Việt Nam khẳng định bản chất cách mạng, khoa học sáng tạo và tầm vóc thời đại trong đường lối chiến lược, sách lược của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc đấu tranh ngoại giao để đi đến thắng lợi của Hiệp định đã phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với đường lối chiến lược thể hiện bản chất cách mạng, khoa học sáng tạo và tầm vóc thời đại, đó là kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước và sách lược khôn khéo, nghệ thuật đặc sắc kết hợp “vừa đánh, vừa đàm”; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị trên chiến trường và đấu tranh ngoại giao trực diện trên bàn hội nghị; biết kéo địch xuống thang từng bước, giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn và phát huy cao độ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Thắng lợi của Hiệp định Paris khẳng định sự trưởng thành vượt bậc và những đóng góp to lớn của ngành Ngoại giao Việt Nam.

Cuộc đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định Paris được đánh giá là cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh, đấu lực quyết liệt, căng thẳng giữa hai nền ngoại giao. Đó là nền ngoại giao lão luyện trên thế mạnh của một siêu cường hàng đầu thế giới là Mỹ và nền ngoại giao non trẻ, nhân văn của Việt Nam. Quá trình đấu tranh để đi đến thắng lợi ký kết được bản Hiệp định lịch sử ngày 27/01/1973 - “mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam”, ngành Ngoại giao, trước hết là hai đoàn đàm phán tại Hội nghị đã kiên định đường lối, chiến lược mà Đảng đề ra. Đồng thời, chuẩn bị kỹ càng mọi mặt, hết sức chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cả về bản lĩnh cách mạnh và kiến thức, năng lực, không ngừng lớn mạnh, trưởng thành nhanh chóng trong các hoạt động tổ chức, thực hiện huy động lực lượng và tranh thủ dư luận quốc tế; kiên quyết, kiên trì đấu tranh quyết liệt và linh hoạt, sáng tạo, buộc phía Mỹ phải chấp nhận việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Qua đó, tạo nên sự trưởng thành vượt bậc và những đóng góp to lớn của ngành Ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Hiệp định Paris được ký kết là thắng lợi của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ngoài phản ánh tình hình trên chiến trường của hai bên, Hội nghị Paris còn phản ánh cục diện xu thế của thế giới. Bởi đây là cuộc đụng đầu lịch sử về hệ tư tưởng giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, giữa một dân tộc nhỏ với một đế quốc to, giữa lực lượng hòa bình, độc lập dân tộc và dân chủ với lực lượng gây chiến xâm lược. Vì thế, Hiệp định Paris được ký kết vừa là thắng lợi của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, vừa là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, những người đã đồng hành ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, dõi theo từng diễn biến trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán tại Paris.

Bộ trưởng Xuân Thủy trả lời phỏng vấn báo chí.

Bài học kinh nghiệm

Một là, kiên định nguyên tắc chiến lược, linh hoạt khôn khéo trong sách lược.

Quá trình đàm phán thương lượng để đi đến ký kết Hiệp định, ta luôn dựa trên cơ sở cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo khôn khéo về sách lược với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Lập trường của ta trong các cuộc đàm phán là luôn khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; lên án tội ác chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên hai miền Nam, Bắc Việt Nam; yêu cầu chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom miền Bắc của Mỹ; đòi Mỹ rút quân ra khỏi miền Nam… Đồng thời, chúng ta đã linh hoạt ứng xử trong các tình huống cụ thể với tinh thần “ứng vạn biến”, nhưng luôn kiên định, kiên trì “bất biến”, không bao giờ từ bỏ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước.

Hai là, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực và chủ động, sáng tạo.

Thấu hiểu điều kiện quốc tế rất phức tạp, nhất là mâu thuẫn gay gắt giữa các nước lớn trong phe xã hội chủ nghĩa lúc này và từ kinh nghiệm đấu tranh ngoại giao trong Hội nghị Geneva năm 1954, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đàm phán trực tiếp, không chịu sức ép của nước lớn và sự can thiệp của trung gian hòa giải. Ta chủ trương hòa bình phải gắn liền với độc lập, tự do thực sự. Luôn luôn giữ vững độc lập, tự chủ, coi đây là nguyên tắc quan trọng nhất trong xử lý các vấn đề đối ngoại. Thắng lợi của Hiệp định Paris đã khẳng định rằng, chỉ có giữ vững độc lập, tự chủ trong quyết định chiến lược, sách lược, ta mới có thể tích cực, chủ động tiến công, chủ động tạo thời cơ và tranh thủ thời cơ để bảo vệ lợi ích dân tộc.

Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị với đấu tranh ngoại giao.

Thực hiện phương châm đấu tranh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta khẳng định “đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta giành được trên chiến trường”. Theo định hướng đó, trong suốt quá trình đấu tranh ngoại giao để đi tới thắng lợi Hiệp định Paris, ta đã phối hợp nhịp nhàng giữa ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao; kết hợp chặt chẽ giữa “đánh” và “đàm” tạo sức mạnh to lớn để giành thắng lợi.

Toàn cảnh phòng họp nơi ký tắt Hiệp định Paris, ngày 27/01/1973.

Bốn là, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.

Cùng với đấu tranh trên bàn đàm phán, ta đã đẩy mạnh các hoạt động tranh thủ dư luận quốc tế tại Hội nghị Paris làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ chính nghĩa sáng ngời của cuộc chiến tranh giải phóng và thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam; vạch trần những thủ đoạn, mưu đồ đen tối, tính chất phi nghĩa, tàn bạo trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. Qua đó góp phần quan trọng tạo nên phong trào nhân dân thế giới rộng lớn chống Mỹ, ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam giành thắng lợi.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của Hiệp định Paris về Việt Nam vẫn nguyên giá trị. Ngày 27/01/1973 mãi mãi được ghi đậm nét trong biên niên sử cuộc đấu tranh anh dũng giải phóng đất nước vì độc lập và thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta. Ngày nay, với chính sách đối ngoại trước sau như một của Việt Nam là: “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, cùng có lợi, trong đó có chính phủ và nhân dân Mỹ. Chúng ta đã thiết lập quan hệ bình thường và nâng lên tầm đối tác toàn diện với Mỹ, vì điều đó đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết của mình, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã làm hết sức mình để cùng phía Mỹ giải quyết những vấn đề sau chiến tranh, khép lại quá khứ, hướng tới quan hệ đối tác toàn diện vì lợi ích của cả hai nước.

Thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao bền bỉ, khó khăn năm xưa cho ta bài học về tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực và chủ động, sáng tạo để tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua nguy cơ, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

* Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng.

** Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng.

1. Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðảng, Toàn tập, tập 34, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 219.

2. Lời phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Lễ kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris về Việt Nam (ngày 25/1/2013).

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 28, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 174.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 161.

Đại tá, PGS. TS. NGƯT NGUYỄN XUÂN TÚ* - Thiếu tá TRẦN THỊ LĂNG**

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hiep-dinh-paris-ve-viet-nam-y-nghia-lich-su-va-bai-hoc-kinh-nghiem-213753.html