Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc: Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc

Sau 5 năm Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) đi vào thực thi, hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã có những phát triển vượt bậc.

Xuất khẩu và Nhập khẩu của Việt Nam với Hàn Quốc (2015 – 3T/2020)

Xuất khẩu và Nhập khẩu của Việt Nam với Hàn Quốc (2015 – 3T/2020)

Bộ Tài chính với vai trò của mình sẽ tiếp tục hướng dẫn và giám sát việc thực hiện Hiệp định VKFTA theo đúng lộ trình đến hết năm 2029.

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt- Hàn tăng trưởng mạnh

Việt Nam và Hàn Quốc hiện là thành viên chung của 3 FTA là ASEAN - Hàn Quốc FTA (AKFTA), VKFTA và Hiệp định đối tác Chiến lược và Toàn diện Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). So với cam kết tại hiệp định AKFTA, cam kết của Việt Nam trong VKFTA bổ sung thêm 265 mặt hàng tương ứng với kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc là 917 triệu USD. Danh mục này bao gồm các nhóm hàng như nguyên phụ liệu dệt, may; nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện, dòng xe tải từ 10 - 20 tấn và xe con từ 3000cc trở lên.

Trong giai đoạn 2015 - 2019 khi VKFTA có hiệu lực, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa hai nước đã tăng từ hơn 36,5 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 66,7 tỷ USD năm 2019. Tốc độ tăng trưởng XNK bình quân giữa hai nước trong giai đoạn 2015 - 2019 đạt 17%, trong đó tăng trưởng nhập khẩu bình quân đạt 12% và tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 22%. Mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn tăng trưởng nhập khẩu, Việt Nam vẫn nhập siêu từ Hàn Quốc. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây có thể coi là kết quả của việc thực thi các FTA mà cả hai nước là thành viên.

Tổng vốn FDI của doanh nghiệp Hàn Quốc tăng 51% trong vòng 5 năm

Thống kê cho thấy, hiệp định AKFTA được áp dụng trong nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc vào Việt Nam nhiều hơn so với Hiệp định VKFTA. Đây là thực tế dễ hiểu, do AKFTA đã được ký kết trước VKFTA 10 năm (năm 2005) và có hiệu lực từ năm 2007. Tuy nhiên, Hiệp định VKFTA ra đời sau với nhiều mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế quan hấp dẫn hơn so với AKFTA. Đồng thời, có điều khoản cho phép “nợ CO”- trong trường hợp ngoại lệ khi C/O không được cấp vào thời điểm xuất khẩu hoặc một thời gian ngắn sau đó do vô ý sai sót hoặc có lý do xác đáng, C/O có thể được cấp sau nhưng không quá một năm kể từ ngày giao hàng. Hiệp định VKFTA cho phép miễn nộp giấy chứng nhận xuất xứ đối với các hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan không quá 600 USD (trị giá FOB), hoặc một mức cao hơn nếu nước nhập khẩu cho phép – mức miễn trừ CO cao gấp 3 lần so với mức thông thường tại các FTA đã ký trước đó của Việt Nam (200 USD). Những điều khoản thuận lợi như vậy đã khẳng định được tác động tích cực khi tỷ lệ tận dụng form CO VKFTA tăng từ 1,23% năm 2016 lên 3,59% năm 2019, và 3,8% tính đến hết tháng 3/2020.

Giá trị nhập khẩu theo mẫu xuất xứ ( form CO)
và Tỷ lệ tận dụng form CO AKFTA và VKFTA

(Đơn vị KNNK: triệu USD)

Trong trao đổi thương mại, hàng hóa điện tử là sản phẩm chính trong cơ cấu XNK của Việt Nam và Hàn Quốc. Số liệu về đầu FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng. Số doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam tăng từ 4.970 doanh nghiệp năm 2015 lên 8.785 doanh nghiệp tính đến 20/5/2020 – tăng hơn 77% trong vòng 5 năm. Tổng vốn FDI đăng ký của nhà đầu tư Hàn Quốc tăng từ 45.191 triệu USD năm 2015 lên mức 68.159,72 triệu USD tính đến hết 20/5/2020 – tăng 51% trong vòng 5 năm. Trong các doanh nghiệp Hàn Quốc, Tập đoàn Samsung chuyên về sản xuất hàng điện tử, điện thoại, linh kiện điện tử, là nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, Samsung Việt Nam đóng góp trên 20% tổng giá trị xuất khẩu. Điều này giải thích cho việc các mặt hàng nêu trên đóng góp chủ yếu vào kim ngạch XNK giữa hai nước.

Bộ Tài chính tiếp tục giám sát thực hiện VKFTA theo đúng lộ trình

Hiệp định AKFTA và VKFTA đã giúp kim ngạch XNK Việt Nam - Hàn Quốc tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tận dụng hết những lợi ích tiềm năng từ các FTAs đã có, mà chủ yếu tham gia cung cấp nguyên phụ liệu giản đơn và lắp ráp, đóng gói - là những hoạt động không đem lại nhiều giá trị gia tăng. Việc Samsung xây dựng và đưa vào hoạt động (dự kiến năm 2023) Trung tâm nghiên cứu lớn nhất châu Á của Tập đoàn này tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp tăng giá trị nội địa cho các sản phẩm của tập đoàn này được sản xuất tại Việt Nam, nhờ đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu về xuất xứ.

Trong năm 2020, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng xấu đến kinh tế, thương mại của khu vực và thế giới. Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung càng ngày càng trở nên gay gắt. Hai sự kiện này dẫn đến sự tái cấu trúc mạnh mẽ và nhanh chóng của chuỗi giá trị toàn cầu – các doanh nghiệp rời nhà máy từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực châu Á. Trong đó, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn nhờ chi phí lao động rẻ, chính sách thu hút đầu tư rộng mở, khả năng ứng phó và kiểm soát tốt dịch bệnh.

Để tận dụng tốt hệ thống FTAs đã có, Chính phủ Việt Nam đã và đang thể hiện những nỗ lực quyết liệt để hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhằm kịp thời giải đáp kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp Hàn Quốc đang kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chính sách hỗ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, giúp nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp nội địa hứa hẹn nâng cao hàm lượng nội địa hóa cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Về phía Bộ Tài chính, theo chức năng nhiệm vụ, nhiệm vụ sẽ tiếp tục hướng dẫn và giám sát việc thực hiện Hiệp định VKFTA theo đúng lộ trình đến hết năm 2029; đồng thời tích cực trong việc giải quyết các vướng mắc về thuế của doanh nghiệp nước ngoài nhằm khai thác tối đa những lợi ích tiềm năng từ VKFTA cũng như các FTAs để phát triển kinh tế.

Đỗ Thanh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quoc-te/2020-08-03/hiep-dinh-thuong-mai-song-phuong-viet-nam-han-quoc-kim-ngach-xuat-khau-tang-truong-vuot-bac-90403.aspx