Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ tạo ra sự tăng trưởng bền vững

'Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) khi được ký kết sẽ tạo ra sự tăng trưởng bền vững, đem lại lợi ích cho cả hai bên. Ở góc độ kinh tế, EVFTA sẽ là công cụ kinh tế rất tốt, giúp cân bằng mối quan hệ thương mại, kinh tế dựa trên luật lệ, đem lại lợi ích cho tất cả mọi người'. Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện châu Âu đã chia sẻ như vậy trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 15-9 tại Hà Nội.

Chủ tịch INTA Bernd Lange đến Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam lần này nhằm tìm hiểu các ưu tiên về chính sách, xây dựng kế hoạch hợp tác trong giai đoạn tới, đẩy mạnh việc triển khai Hiệp định EVFTA; việc chuẩn bị của Việt Nam đối với các cam kết lao động trong EVFTA…

Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu Bernd Lange (bên phải) trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 15-9.

Chia sẻ với giới báo chí, nghị sĩ Bernd Lange cho biết, việc phê chuẩn một FTA đều phải trải qua hai bước: Đầu tiên, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ gửi văn kiện của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) lên INTA để cơ quan này xem xét, kiểm chứng, bảo đảm tất cả những cam kết trong hiệp định sẽ được thực thi một cách đầy đủ. Quá trình xem xét này hết sức cẩn thận, chi tiết để từ đó có cơ sở thuyết phục các nghị sĩ trong Nghị viện châu Âu. Nếu các cam kết được thực hiện đầy đủ, đây sẽ là thuận lợi lớn để nhận được sự đồng thuận của châu Âu đối với FTA. Ngược lại, nếu còn những vấn đề tồn đọng, đây sẽ là trở ngại khó lường cho cả hai bên. Ông Bernd Lange khẳng định, bất cứ đối tác nào của EU, ví dụ như Canada, Nhật Bản…, đều phải trải qua các bước như trên.

“Đối với EVFTA, tôi tin tưởng đây là một FTA rất tốt vì nó sẽ tạo sự tăng trưởng bền vững, đem lại lợi ích cho cả hai bên, trong đó có việc tạo thêm nhiều công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho Việt Nam”, ông Bernd Lange nhận định. Tuy nhiên, Chủ tịch INTA cũng cảnh báo, hiện nay một số đối tác kinh tế đang đi ngược lại xu hướng toàn cầu hóa, quay trở về chủ nghĩa dân tộc. Do đó, đòi hỏi các bên cần phải tôn trọng luật lệ. “Việt Nam phải nhanh chóng thông qua tất cả các luật, công ước đã được quốc tế công nhận. Đây là cơ sở để EVFTA được phê chuẩn, thông qua thuận lợi nhất có thể”, ông Bernd Lange nhấn mạnh.

EVFTA là một trong những FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang tham gia. Đây cũng là một trong những FTA có mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay, trong đó có các cam kết về lĩnh vực lao động. Theo dự kiến, EVFTA sẽ ký vào cuối năm 2017 và có hiệu lực vào đầu năm 2018. Tuy nhiên, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 14-9, ông Bernd Lange đã bày tỏ hy vọng, đến mùa xuân năm 2018 hai bên sẽ hoàn tất các bước cuối cùng của hiệp định.

Giải thích về sự chậm trễ này, ông Bernd Lange cho biết, đây hoàn toàn xuất phát từ vấn đề kỹ thuật, ví dụ như quá trình rà soát pháp lý của văn kiện hiệp định đòi hỏi các chuyên gia pháp lý phải ngồi với nhau để rà soát và bảo đảm nội dung phù hợp với luật lệ, sau đó phải được biên dịch sang ngôn ngữ liên quan của cả hai phía. Điều này đòi hỏi mất rất nhiều thời gian. “Tôi đảm bảo rằng, không có vấn đề chính trị đằng sau sự chậm trễ này”, ông Bernd Lange khẳng định.

Với lộ trình mới đặt ra, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, Hiệp định EVFTA sẽ được ký kết vào đầu năm 2018, và Nghị viện châu Âu có 3 tháng sau đó cho quá trình phê chuẩn. Và giữa năm 2018, quá trình này sẽ kết thúc. Tuy nhiên, ông Bernd Lange cho rằng, để đạt được điều này, phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của cả hai bên. Chủ tịch INTA Bernd Lange tin tưởng, Việt Nam sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn để sớm hoàn tất việc ký kết EVFTA, đồng thời khẳng định Ủy ban thương mại quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu sẽ giám sát việc thực hiện các thỏa thuận, trong đó có EVFTA, và luôn ủng hộ thỏa thuận này để làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác giữa hai bên.

Bài và ảnh: LINH OANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-viet-nam-eu-se-tao-ra-su-tang-truong-ben-vung-517893