Hiệp định VPA/FLEGT: Rộng cửa cho gỗ Việt vào EU

Sau sáu năm bền bỉ đàm phán, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã được ký kết vào ngày 19-10-2018. Theo nhận định của các chuyên gia, Hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho gỗ Việt.

Cơ hội XK gỗ sang EU mở rộng với Hiệp định VPA/FLEGT.

Mở rộng cơ hội xuất khẩu gỗ
Ông Nguyễn Tôn Quyền – Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - nhận định: EU được coi là một thị trường vô cùng quan trọng với gỗ Việt. Vì vậy, việc ký VPA/FLEGT sẽ giúp các sản phẩm gỗ xuất khẩu (XK) trực tiếp vào 28 nước châu Âu, mà không cần phải qua một nước trung gian nào. Thị trường sẽ rộng mở hơn. Dự kiến trong vài năm nữa, kim ngạch XK gỗ sang EU sẽ tăng gấp đôi, từ 700 triệu USD hiện nay lên hơn một tỷ USD.

Nhưng điều quan trọng hơn, theo ông Quyền, với những quy định rõ ràng về nguồn gốc gỗ hợp pháp, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ giúp Việt Nam cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần thúc đẩy thị trường XK mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, nâng cao uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ XK của Việt Nam trên toàn cầu.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định: Với việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, các DN Việt Nam sẽ có quyền tiếp cận trực tiếp vào thị trường EU, mà không phải trải qua một quá trình kiểm tra tính hợp pháp rườm rà. Đây sẽ được xem là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các nước không có một hiệp định VPA đầy đủ. Không những vậy, thực thi hiệp định này còn giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực XK lâm sản trên thị trường quốc tế. “Thực hiện VPA/FLEGT cũng là thực hiện một trong những mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho ngành lâm nghiệp đến năm 2025 phải đạt kim ngạch XK 17 tỷ USD, đến 2020 phải đạt được 11 - 12 tỷ USD”, ông Trị nói.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng
Với VPA/FLEGT, 100% gỗ XK vào EU phải là gỗ hợp pháp. Điều này sẽ khiến chi phí tăng, doanh nghiệp (DN) phải thực hiện nhiều công đoạn để bảo đảm truy xuất nguồn gốc gỗ rõ ràng.

Để đáp ứng những yêu cầu quy định tại Hiệp định, ông Nguyễn Quốc Trị cho biết, trước tiên, các DN trồng rừng cần có chứng chỉ thể hiện nguồn gỗ đó minh bạch, hợp pháp. Việc trồng gỗ rừng có chứng chỉ sẽ mang lại lợi ích cho DN bởi giá sẽ tăng thêm 10 - 25%. Bên cạnh đó, các DN cần chuẩn bị các hồ sơ để giải trình nguồn gỗ nhập là hợp pháp. Cùng với đó, DN phải tự đánh giá năng lực của DN có phù hợp với các tiêu chí để được xếp vào danh mục loại một, lúc đó DN sẽ tự chủ trong việc XK gỗ và có khả năng mở rộng thị trường.

Dù vậy, ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết thêm, 10 năm trở lại đây, các DN chế biến, XK gỗ đã làm rất tốt điều này, gỗ nguyên liệu đều có chứng chỉ rừng bền vững (FSC). Năm 2015, các DN trong Hiệp hội cũng đã ký cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp.

Cụ thể, Công ty CP Lâm sản Nam Định (NAFOCO) đã thực hiện mô hình chứng chỉ nhóm hộ tại Yên Bình (Yên Bái) với quy mô khoảng 1.000 - 3.000ha, 494 hộ tại 5 xã của huyện tham gia. Tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC là 1.737ha. Từ năm 2016, Công ty Woodsland đã ký thỏa thuận liên kết trồng keo có chứng chỉ FSC với 197 hộ dân tại 3 xã Công Đa, Phú Thịnh và Tiến Bộ của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) với diện tích 848,09ha. Hiện toàn bộ diện tích này đã được cấp chứng chỉ FSC.

Ông Nguyễn Quốc Trị nhận định, các cam kết của VPA/FLEGT đã được quy định trong Luật Lâm nghiệp Việt Nam, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Đến đầu năm 2021, khi Hiệp định chính thức đưa vào thực thi, cơ quan quản lý, người trồng rừng và DN gỗ Việt Nam sẽ sẵn sàng với các điều kiện cam kết.

Về phía các cơ quan chức năng, theo Tổng cục Lâm nghiệp, sau khi ký kết hiệp định VPA/FLEGT, Việt Nam sẽ thiết lập một hệ thống để xác minh bảo đảm gỗ hợp pháp và cấp phép cho các chuyến hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU. Cơ quan Nhà nước sẽ phân loại mức độ rủi ro của doanh nghiệp để làm căn cứ cấp giấy phép FLEGT.

Nhóm 1 là các DN tuân thủ pháp luật. Nhóm này được chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh và sẽ được cấp ngay giấy phép FLEGT nếu đủ điều kiện.
Nhóm 2 là nhóm DN không tuân thủ pháp luật. Nhóm này sẽ phải thực hiện việc kiểm tra thực tế 20% các lô hàng trước khi XK và cấp giấy phép FLEGT.

EU hiện là thị trường tiêu thụ gỗ lớn thứ tư, chiếm đến hơn 10% thị phần XK gỗ của Việt Nam, và có hơn 400 DN Việt Nam đang XK sang thị trường này. Tổng cục Lâm nghiệp đang hoàn thiện văn bản pháp luật và cơ sở vật chất để có thể bắt đầu cấp giấy phép FLEGT cho DN vào cuối năm tới.

Hiệp định VPA/FLEGT bắt đầu đàm phán từ tháng 11/2010, đến nay đã chính thức ký kết. Mục tiêu khi đàm phán hiệp định là mở rộng thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU thông qua việc Việt Nam cam kết xây dựng Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (VNTLAS) phục vụ việc cấp phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ XK sang EU...

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/38117702-hiep-dinh-vpa-flegt-rong-cua-cho-go-viet-vao-eu.html