Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ủng hộ thi trắc nghiệm

TPO - Sau khi có nhiều kiến nghị khi áp dụng trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 (trừ môn Ngữ Văn), chiều ngày 13/9, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh phương án này.

Toàn cảnh cuộc trao đổi chiều nay 13/9. Ảnh: Như Ý

Chia sẻ với báo chí về phương án tuyển sinh năm 2017 mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) rất đồng tình.

Theo GS Thiệp, phương pháp trắc nghiệm có ưu thế áp đảo so với tự luận. Vì sao? Nếu trắc nghiệm thì chất lượng của kỳ thi phụ thuộc vào chất lượng của đề thi vì chấm thi không bị ảnh hưởng.

Còn phương pháp tự luận thì chất lượng kỳ thi phụ thuộc năng lực người chấm. Chất lượng đề thi có thể khắc phục được bằng việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, nhiều người tham gia vào. Còn dùng phương pháp tự luận, trong thời gian ngắn chấm hàng triệu bài thi thì không thể nào tìm được người giỏi để chấm, người chấm không đủ trình độ, chất lượng kỳ thi tất yếu sẽ kém

“Không phải ngẫu nhiên mà thế giới thi trắc nghiệm là chính. Đối với các kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn thì phương pháp trắc nghiệm có ưu thế áp đảo. Đây là phương án mà Hiệp hội đã đề nghị bộ cách đây 2 năm. Tôi rất ủng hộ phương án này là đương nhiên”- GS Thiệp khẳng định.

Riêng đối với môn Toán, Sử hiện tại có nhiều ý kiến phản đối, theo GS Thiệp cho rằng, đây là thi THPT Quốc gia để phân loại thôi chứ chưa phải là tuyển chọn nhân tài. Nếu tuyển chọn nhân tài thì tuyệt đối không nên dùng trắc nghiệm. Mục tiêu của kỳ thi là chỉ kỳ thi để phân loại.

Tuy nhiên, theo GS Thiệp, câu hỏi đặt ra là liệu Bộ có đủ khả năng và thời gian để soạn ra các đề thi tốt không?

“Câu này khó trả lời vì tùy Bộ tổ chức kì thi này như thế nào. Phương hướng lựa chọn môn thi là tốt, nhưng tổ chức để có kỳ thi tốt phụ thuộc vào bộ có huy động được những chuyên gia có năng lực, hiểu biết để tham gia vào kỳ thi hay không”- GS Thiệp nói.

GS Lâm Quang Thiệp- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT)

Xét tuyển ĐH, CĐ: cho xét tuyển mỗi năm 2 hoặc nhiều lần

Trao đổi về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 vào chiều nay, 13/9, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tôn trọng quyền tự chủ của các trường trong tuyển sinh (như quy định tại Điều 34 Luật Giáo dục Đại học) là đúng.

Tuy nhiên Bộ cần mạnh dạn giao cho một trung tâm khảo thí trong vai trò của một tổ chức dịch vụ công ích đảm nhận tổ chức việc xét tuyển sinh chung cho phần lớn các trường, khi các trường có đề nghị.

Để vừa thỏa mãn nguyện vọng lựa chọn ngành đào tạo của người học, đồng thời tôn trọng tiêu chí tuyển sinh riêng biệt của từng trường, Bộ nên chọn phần mềm xét tuyển dựa trên thuật toán “chấp nhận trì hoãn” do Trường đại học Thăng Long đề xuất.

Cũng theo Hiệp hội, chỉ tiêu tuyển sinh và tiêu chí tuyển sinh vào các trường cần được xem xét chặt chẽ xuất phát từ năng lực đào tạo và sứ mệnh (bậc, hạng) của mỗi trường.

Có thể xem quy định về tuyển sinh của 3 nhóm trường đại học công thuộc Tiểu bang California (Hoa Kỳ) làm thí dụ.

Tại đây để duy trì ổn định chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học công lập, chính quyền tiểu bang đã đưa ra quy định các trường thuộc hệ thống UC (gồm 9 trường được đào tạo tới cấp tiến sĩ) chỉ được tiếp nhận sinh viên nằm trong tốp 12.5% đầu bảng tốt nghiệp trung học, trong khi các trường thuộc hệ thống CSU (gồm 23 trường được đào tạo tới cấp thạc sĩ) được tuyển sinh viên nằm trong tốp 33% đứng đầu.

Riêng các trường thuộc hệ thống đại học cộng đồng (105 trường) và các trường tư không bị khống chế về nguồn tuyển, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp phổ thông trung học.

Nên cho phép các trường tổ chức xét tuyển vào đại học và cao đẳng mỗi năm hai hoặc nhiều lần.

Từ năm 2017: Bộ nên giao việc tổ chức thi THPT Quốc gia cho các tỉnh

Đánh giá tốt nghiệp THPT của học sinh nếu chỉ dựa vào kết quả của 4 môn thi đơn ở kỳ thi quốc gia, trong đó có 3 môn bắt buộc sẽ tạo cho học sinh thói quen học lệch ngay từ đầu lớp 10. Từ đó, mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh THPT tại Nghị quyết 29 không đạt được.

Không nên phân biệt thành các cụm thi đại học và cụm thi tốt nghiệp, khi mà cả 2 cụm này đều có ở tất cả các tỉnh-thành với thành phần coi thi và chấm thi đều như nhau.

Từ năm 2017 Bộ nên giao hẳn công việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia cho các tỉnh, quy định trách nhiệm cho người đứng đầu tỉnh - thành nếu để xảy ra tiêu cực tại địa bàn do mình phụ trách, đồng thời đề cao vai trò giám sát xã hội, trong đó có sự tham gia của Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc và giới truyền thông.

Đề thi và đáp án phải được xây dựng dưới dạng trắc nghiệm khách quan là chủ yếu, hướng tới sự chuẩn mực (như Đại học quốc gia Hà Nội đã và đang thực hiện). Với kiểu đề thi như vậy kết quả thi có thể dùng cho một số năm và trong trường hợp thi trên máy tính (như Đại học Quốc gia Hà Nội đang làm) có thể hạn chế được tình trạng gian lận trong thi cử, tiết kiệm thời gian, công khai kết quả sau khi thi và loại bỏ tình trạng thi cử căng thẳng, dồn dập như hiện nay.

Đề thi cần bám sát yêu cầu của chương trình đào tạo trung học phổ thông để đánh giá năng lực người học. Không chạy theo thành tích dẫn tới tỷ lệ tốt nghiệp quá cao một cách vô lý.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/giao-duc/hiep-hoi-cac-truong-dh-cd-ung-ho-thi-trac-nghiem-1049815.tpo