Hiệp hội công chứng viên Việt Nam: Bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công chứng viên

Tiến tới tổ chức Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ nhất để thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, một trong những công việc quan trọng là hoàn thiện dự thảo Điều lệ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam. Hiện, dự thảo đang được khẩn trương đưa ra lấy ý kiến với nhiều nội dung quan trọng.

Hình minh họa

Theo dự thảo Điều lệ, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp toàn quốc của các công chứng viên Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

Có nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các Hội Công chứng viên thành viên, các công chứng viên; duy trì các chuẩn mực đạo đức hành nghề công chứng; được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự quản, công khai, minh bạch, phi lợi nhuận, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam.

Điều lệ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam được áp dụng thống nhất đối với Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, các Hội Công chứng viên và các công chứng viên; quy định về tổ chức, hoạt động của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, của các Hội Công chứng viên; quyền, nghĩa vụ của các thành viên Hiệp hội; quan hệ của Hiệp hội với các thành viên của mình, với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong và ngoài nước.

Dự thảo Điều lệ cũng quy định những nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam gồm: Các nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng; Đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền, lợi ích hợp pháp của các Hội Công chứng viên, các công chứng viên trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệp hội;

Đại diện và bảo vệ quyền hành nghề, lợi ích hợp pháp của các Hội Công chứng viên, các công chứng viên ở trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; Thực hiện hợp tác quốc tế và hướng dẫn, giám sát việc tuân theo pháp luật, tuân theo Điều lệ của Hiệp hội đối với hoạt động hợp tác quốc tế của các Hội Công chứng viên, công chứng viên thành viên.

Quản lý, sử dụng tài sản của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam theo quy định của pháp luật và Điều lệ của Hiệp hội; tiếp nhận và thực hiện nguồn hỗ trợ, tài trợ hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; Báo cáo quyết toán tài chính về việc tiếp nhận, sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách, nguồn hỗ trợ, tài trợ của các cá nhân, tổ chức nước ngoài gửi Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu; Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và của Điều lệ này.

Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam do Hội đồng công chứng toàn quốc bầu ra trong số Ủy viên Hội đồng công chứng viên toàn quốc và theo nhiệm kỳ của Hội đồng công chứng viên toàn quốc. Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam đồng thời là Chủ tịch Hội đồng công chứng viên toàn quốc. Một công chứng viên chỉ được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội công chứng viên Việt Nam nhiều nhất là hai nhiệm kỳ liên tiếp. Dự thảo cũng quy định các tiêu chuẩn với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội.

Tất cả các công chứng viên đang hành nghề theo quy định của pháp luật Việt Nam là thành viên của Hội Công chứng viên nơi mình gia nhập và là thành viên của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam. Ngoài ra, dự thảo còn quy định quyền, nghĩa vụ của hội viên Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; các vấn đề về tài chính, khen thưởng kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo....

P.V

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/hiep-hoi-cong-chung-vien-viet-nam-bao-ve-quyen-loi-hop-phap-cho-cong-chung-vien-412758.html