Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh ký kết tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn

Sáng 10/6, UBND huyện Lục Ngạn, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Giang phối hợp tổ chức hội nghị ký kết tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn. Tới dự có đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Đại diện UBND huyện Lục Ngạn, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Giang ký kết tiêu thụ vải thiều năm 2022.

Đại diện UBND huyện Lục Ngạn, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Giang ký kết tiêu thụ vải thiều năm 2022.

Tại hội nghị, đồng chí La Văn Nam, Chủ tịch UBND Lục Ngạn thông tin, Lục Ngạn là vùng trồng cây ăn quả hàng hóa tập trung quy mô lớn với khoảng 28.000 ha.

Trong đó, diện tích vải thiều lớn nhất cả nước, khoảng 16.000 ha, tổng sản lượng đạt từ 80-100 nghìn tấn. Vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp Bằng chứng nhận Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản; đồng thời đã được bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu tại hàng chục quốc gia trên thế giới.

Những năm gần đây, do chất lượng và uy tín được nâng cao nên sản phẩm vải thiều Lục Ngạn nhìn chung tiêu thụ rất thuận lợi, ổn định ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Việc Hội Doanh nhân trẻ Bắc Giang, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và các đối tác lớn đến khảo sát, ký kết thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm ngay trong vụ thu hoạch năm nay là cơ hội để các bên đối thoại, hợp tác. Địa phương tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp (DN) thu mua sản phẩm tại địa phương.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin, đây là lần đầu tiên ông được đến vùng vải lớn và được thưởng thức quả vải tươi ngon tại vườn. Với khoảng 15 nghìn DN dệt may, tương ứng khoảng 3 triệu lao động nên Hiệp hội có nhiều tiềm năng tiêu thụ nông sản của Việt Nam nói chung và vải thiều Bắc Giang nói riêng. Không chỉ tại hội nghị này, thời gian tới, Hiệp hội Dệt may sẽ tiếp tục kết nối tiêu thụ các nông sản khác của tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên để kết nối bền vững, người sản xuất cần bảo đảm chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin, uy tín với người tiêu dùng trong ngành dệt may.

Đồng chí Mai Sơn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Mai Sơn đánh giá, hội nghị ký kết này có ý nghĩa quan trọng, thể hiện cách làm sáng tạo của huyện Lục Ngạn. Đồng chí đề nghị, tới đây cần nhân rộng mô hình này trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cách làm hiệu quả thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Qua đó, chung tay tiêu thụ nông sản, không phải giải cứu nông sản.

Đồng chí mong muốn, Hiệp hội Dệt may Việt Nam có thể có chính sách trợ giá khi mua vải thiều cho công nhân, vừa giúp bà con tiêu thụ nông sản, vừa chăm lo đời sống người lao động. Sau hội nghị này, các DN dệt may sẽ ký hợp đồng cụ thể với DN cung ứng vải thiều, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Các đại biểu tiễn đoàn xuất hành vải thiều Lục Ngạn đi tiêu thụ.

Nhân dịp này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, UBND huyện Lục Ngạn, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Giang ký kết chung tay tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn; các đại biểu cắt băng xuất hành đưa chuyến vải thiều Lục Ngạn đi tiêu thụ.

Tin, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/385294/hiep-hoi-det-may-viet-nam-hoi-doanh-nhan-tre-tinh-ky-ket-tieu-thu-vai-thieu-luc-ngan.html