Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai: Cầu nối doanh nghiệp với thị trường

Đồng Nai là địa phương có truyền thống chế biến gỗ xuất khẩu lâu đời. Kim ngạch xuất khẩu gỗ chế biến mỗi năm chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Trong thành quả chung, không thể không nhắc đến vai trò của Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowooha).

Hướng đến mục tiêu mới

Ngành gỗ được đánh giá là một trong những ngành nghề có tiềm năng xuất khẩu lớn nhất trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng như hiện nay. Gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu các nước Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới.

Bình Dương, Đồng Nai là hai "thủ phủ" của ngành gỗ Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu của 2 địa phương chiếm đến 75% giá trị xuất khẩu mặt hàng này cả nước. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 8,476 tỷ USD. Riêng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của tỉnh Đồng Nai đạt 1,278 tỷ USD. Các doanh nghiệp (DN) gỗ Đồng Nai đang hướng tới việc góp phần xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ nội thất của thế giới.

Ký biên bản hợp tác giữa công ty của Hoa Kỳ với Hiệp hội Gỗ và Thủ công Mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai

Ký biên bản hợp tác giữa công ty của Hoa Kỳ với Hiệp hội Gỗ và Thủ công Mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai

Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai được xây dựng và thành lập từ năm 1995 trong thời kỳ đất nước đang trên đà phát triển. Trải qua hơn 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển, đến nay hiệp hội có 48 hội viên, kế hoạch năm 2019 sẽ phát triển lên 70 hội viên. Hiệp hội là tiếng nói đại diện cho ngành gỗ tỉnh Đồng Nai, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại tiếp cận thị trường, tham gia hội chợ, gặp gỡ tham tán thương mại; tư vấn chính sách cho nhà nước và phổ biến, cập nhật chính sách pháp luật đến hội viên; hợp tác với các tổ chức, các hiệp hội quốc tế để thúc đẩy hoạt động của Dowooha.

Xác định gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng có tiềm năng lớn, thế mạnh, ông Phan Văn Bình - Chủ tịch Dowooha - cho hay, ngành gỗ cần một chiến lược phát triển và tầm nhìn xa mới. Để sớm hình thành liên minh Hiệp hội Gỗ Đông Nam bộ (trụ cột gồm Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh - Hawa, Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương - Bifa và Dowooha), Hiệp hội sẽ đề xuất liên kết hợp tác vì sự phát triển của cộng đồng DN gỗ vùng Đông Nam bộ; thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu gỗ và thủ công mỹ nghệ; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cũng như các hoạt động dịch vụ...

Thúc đẩy xuất khẩu

Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới, ông Phan Văn Bình đề xuất, ngành gỗ cần đổi mới máy móc, thiết bị chế biến gỗ, cập nhật công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhà nước cũng có sự hỗ trợ về chính sách vĩ mô để DN có thể tiếp cận được công nghệ mới, hiện đại từ nước ngoài hay tiếp cận được vốn. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư. Do đó, rất cần nhà nước hỗ trợ địa phương đầu tư một trung tâm hội chợ đủ tầm cỡ để các DN trưng bày hàng hóa, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ thành lập khu công nghiệp tập trung chuyên ngành chế biến gỗ, qua đó thúc đẩy sự liên kết trong ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Sản xuất đồ gỗ tại Công ty CP Nhất Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1)

Trong năm 2019, hiệp hội sẽ củng cố lại tổ chức và lắng nghe ý kiến của các DN, thành viên để điều chỉnh hoạt động theo hướng vận hành chung về xuất khẩu đồ gỗ, bổ sung thế hệ trẻ nhằm tạo bước đột phá. Đồng thời, hiệp hội sẽ phối hợp với Hội Xuất nhập khẩu và Hội DN trẻ Đồng Nai triển khai chương trình liên kết cùng hành động trong việc phổ biến tuyên truyền chính sách pháp luật và tổ chức hội nghị đối thoại DN, tạo sự kết nối giữa các hội viên, thúc đẩy giao thương nội khối.

Đối với việc mở rộng dự án TCVC 01-16, từ năm 2016 – 2018, hiệp hội đã tài trợ 1.810 bộ bàn ghế học sinh cho các trường khó khăn huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Dự án hoàn thành sớm 2 năm, giá trị tài trợ vượt 102%.

Có được những thành quả trên, trước hết là nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của Ban chấp hành Dowooha; đóng góp tự nguyện về công sức và tài lực của nhiều hội viên; sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền, đơn vị đối tác.

Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, đoàn kết cùng nhau hành động với quyết tâm mới trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Ngọc Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hiep-hoi-go-va-thu-cong-my-nghe-dong-nai-cau-noi-doanh-nghiep-voi-thi-truong-116813.html