Hiệp hội Taxi Hà Nội kêu gọi 77 doanh nghiệp hợp lực cạnh tranh Grab

Hiệp hội Taxi Hà Nội đề xuất xây dựng trung tâm điều hành đặt xe qua mạng chung cho 77 doanh nghiệp để hành khách có thể đặt xe, xem giá giống như Grab.

Theo báo Tri thức trực tuyến, ngày 6/4, phát biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến "Grab thâu tóm Uber, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?", Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết “cuộc hôn nhân” của Uber, Grab khiến các hãng taxi Việt Nam cạnh tranh khó khăn hơn. Vị này cho rằng Grab hiện là “con cá mập”, hoạt động lách luật. Các hãng taxi Việt Nam phải đoàn kết nếu muốn tồn tại.

Taxi Hà Nội kêu gọi 77 doanh nghiệp hợp lực cạnh tranh Grab. Ảnh minh họa: Internet

Ông Nguyễn Công Hùng cho rằng Uber, Grab đưa vào Việt Nam một loại hình công nghệ hiện đại và chiến dịch khuyến mại lớn để thu hút người dân. Những cái này taxi truyền thống không làm được vì vướng hàng loạt cơ chế.

Lâu nay, 77 doanh nghiệp taxi hoạt động ở Hà Nội hoạt động theo kiểu “một chiếc đũa”, bị chia nhỏ. Ai cũng có ứng dụng, kênh kết nối riêng của mình. Trước thực tế hiện nay, theo ông Hùng, taxi Hà Nội phải đoàn kết.

Vị này cho hay, Hiệp hội đã đề xuất làm tổng đài chung cho các hãng nhưng doanh nghiệp taxi hoạt động lâu năm, có tên tuổi không ủng hộ. Sau đó, Hiệp hội kiến nghị xây dựng một trung tâm điều hành đặt xe qua mạng. Theo ông Hùng, đây là một sàn giao dịch dùng chung cho tất cả hãng taxi Hà Nội, giúp tất cả mọi người khi đến thủ đô có thể tải, truy cập phần mềm, lựa chọn hãng tùy thuộc vào tên tuổi hay giá cả đã hiển thị sẵn.

Theo báo VnExpress, đồng tình với ý kiến của ông Hùng, ông Hồ Quốc Phi, Tổng giám đốc Taxi Mai Linh miền Bắc nhìn nhận việc Grab mua Uber sẽ dẫn đến khó khăn hơn nữa cho taxi Việt Nam. Trước đây Uber và Grab cạnh tranh lẫn nhau nhưng nay họ là một và chỉ cạnh tranh với taxi truyền thống.

Là đơn vị trực tiếp quản lý nhiều tài xế Uber, Grab, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc HTX Giao thông vận tải Toàn Cầu cho rằng, các hãng taxi thua Grab là do phải đầu tư rất nhiều tài sản, còn Grab thì không. Mỗi tài khoản Grab một ngày chạy xe đều phải nộp phần trăm (tối đa 28% doanh thu về cho hãng), với 50.000 tài khoản, lượng tiền ròng đổ về khiến Grab thoải mái dùng để khuyến mại giá. Do vậy, không một hãng vận tải nào trong nước hiện nay có đủ tiềm lực bằng Grab và Uber. Các hãng taxi truyền thống càng xoay sở, càng thất bại. Các hãng phải bỏ số tiền lớn để xây dựng nhiều phần mềm, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, sẽ rất khó thay đổi và cạnh tranh sòng phẳng được với Grab.

"Nhiều lái xe của hợp tác xã đã phản ánh phải ra đường, không biết đi đâu vì Grab không nhận tài xế, còn Uber đã tuyên bố đóng cửa. Nhà nước cần hỗ trợ, làm gì đó để giúp các tài xế", ông Nguyễn Xuân Tuấn nói.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho rằng, khi xuất hiện một người khổng lồ, các doanh nghiệp thường có tâm lý lo ngại. Nhưng việc Grab mua Uber thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Chính việc Grab thành công ở Đông Nam Á, giành lại thị phần của Uber là ví dụ rất sinh động các doanh nghiệp ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam có thể trưởng thành, đứng vững trên thị trường của mình.

Tú Anh (t/h)

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/hiep-hoi-taxi-ha-noi-keu-goi-77-doanh-nghiep-hop-luc-canh-tranh-grab-100520