Hiệp sĩ bị đâm tử vong ở Sài Gòn: Nhóm trộm SH sẽ bị xử lý thế nào?

Luật sư phân tích, với tính chất và mức độ nghiêm trọng của vụ việc, nhóm trộm xe SH đâm chết hai hiệp sĩ rất có thể sẽ phải đối diện với mức án cao nhất.

Như Dân Việt đã thông tin, khoảng 20h30 ngày 13.5, nhóm hiệp sĩ Tân Bình đã phục kích và bắt quả tang 4 đối tượng đang trộm xe máy SH của người dân trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3, TP.HCM) nên tổ chức vây bắt. Phát hiện bị vây, nhóm trộm tháo chạy trên nhiều xe máy nhằm thoát thân.

Cuộc rượt đuổi khoảng vài trăm mét thì nhóm hiệp sĩ Tân Bình đuổi kịp. Tuy nhiên, các đối tượng trong băng trộm đã dùng hung khí tấn công lại nhóm hiệp sĩ khiến anh Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Đăng Khôi tử vong, nhiều người khác bị thương. Nhóm trộm sau đó tẩu thoát.

Hiện trường vụ việc. Ảnh Dân Việt

Chiều nay (14.5), lực lượng Công an Q.3 phối hợp cùng với đội phòng chống tội phạm có tổ chức (đội 2) và đội điều tra truy xét trọng án (đội 9) thuộc phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP.HCM đã bắt giữ được 1 nghi phạm có liên quan. Hiện công an vừa đưa đối tượng này về trụ sở Công an Q.3 để đấu tranh khai thác.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LS TP.Hà Nội) cho biết, hành vi của các đối tượng đã xâm phạm đến quyền được sống của người khác - là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định.

Xét hành vi của các đối tượng đã sử dụng hung khí nguy hiểm mang theo tấn công khiến 2 hiệp sĩ tử vong khi tham gia bắt quả tang trộm cắp tài sản.

Hành vi phạm tội của chúng thể hiện sự côn đồ hung hãn, coi thường tính mạng người khác nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh theo quy định của của pháp luật. Các đối tượng không những đã xâm hại đến tính mạng của nhiều khác mà còn xâm hại đến quyền sở hữu của công dân được pháp luật bảo vệ.

Theo luật sư Thơm, hành vi phạm tội của các đối tượng đã cấu thành tội giết người và tội trộm cắp tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, n khoản 1 Điều 123 và Điều 173 BLHS 2015. Nếu tổng hợp cả hai tội danh trên, các đối tượng có thể phải đối diện với mức án cáo nhất là tử hình.

Ngoài những phân tích, vị luật sư này cũng nêu quan điểm, qua vụ việc này, cần thiết xem xét lại mô hình CLB phòng chống tội phạm ở TP.HCM, Bình Dương.

Thực tế, tình hình ANTT ở một số tỉnh, thành phố diễn ra rất phức tạp, một số tội phạm phát triển mạnh như: Cướp giật, trộm cắp tài sản... Trách nhiệm chính về đảm bảo bảo ANTT, phòng chống các loại tội phạm do lực lượng CAND thực thi trên cơ sở các quy định của pháp luật và được trang bị các đầy đủ chuyên môn, nghiệp vụ và các công cụ hỗ trợ cần thiết khi thi hành công vụ.

Mô hình CLB phòng chống tội phạm đi vào hoạt động những năm gần đây đã góp phần mang lại những thành công nhất định. Tuy nhiên, đây là những hoạt động mang tính tự phát của một nhóm các hiệp sỹ mong muốn góp phần đảm bảo ANTT cho người dân.

Hạn chế của các nhóm hiệp sĩ sỹ là không có được sự trang bị về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng ứng phó giải quyết các tình huống và đặc biệt không được trang bị các công cụ hỗ trợ để bảo vệ bản thân cũng như chống trả lại sự manh động của các đối tượng phạm tội.

Mặt khác, việc truy đuổi tội phạm trên đường phố khi sử dụng xe mô tô là nguồn nguy hiểm cao độ cho chính các hiệp sĩ và những người tham gia giao thông.

Điều 123 BLHS 2015 quy định về tội giết người:

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 2 người trở lên

n) Có tính chất côn đồ

Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức

b) Có tính chất chuyên nghiệp

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm

đ) Hành hung để tẩu thoát

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh

Đình Việt

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/hiep-si-bi-dam-tu-vong-o-sai-gon-nhom-trom-sh-se-bi-xu-ly-the-nao-875540.html