Hiệp ước Bầu trời mở trước nguy cơ đổ vỡ

Tuyên bố mới nhất của Tổng thống D.Trump về việc rút Mỹ khỏi Hiệp ước Bầu trời mở không chỉ gây ra những phản ứng trái chiều từ cộng đồng quốc tế mà còn khiến ông phải đương đầu với những 'búa rìu' dư luận trong nước.

Ngày 21/5, Tổng thống Mỹ D.Trump thông báo ý định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng thứ ba mà Tổng thống Mỹ D.Trump xóa bỏ vai trò tham gia của Mỹ kể từ khi nhậm chức, sau thỏa thuận hạt nhân Iran và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Diễn biến này được cho là không chỉ khiến mối quan hệ Nga - Mỹ bị đẩy lên một cao trào mới mà còn gây ra những xáo trộn trong quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh châu Âu. Việc Mỹ đóng lại một Hiệp ước có ý nghĩa then chốt để đảm bảo niềm tin lẫn nhau ở châu Âu cũng được cảnh báo là sẽ mở ra một “tình huống thách thức” về an ninh khu vực.

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở…

Trong cuộc gặp gỡ phóng viên tại Nhà Trắng, ông D.Trump giải thích lý do Mỹ rút khỏi Hiệp ước được ký kết năm 1992 này là do Nga đã không tuân thủ Hiệp ước, cùng với lời cáo buộc về việc Nga đã hạn chế một cách phi pháp những chuyến bay trên các vùng không phận, gồm tại khu vực biên giới với Grudia. Tuy nhiên, ông D.Trump cũng để ngỏ cơ hội các bên đưa ra một thỏa thuận mới hoặc “làm điều gì đó” để đưa bản thỏa thuận cũ quay trở lại, nếu như Nga cũng tuân thủ Hiệp ước.

Tờ Washington Post cho hay, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về An ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt Christopher Ford dự kiến sẽ thông báo quyết định này của Mỹ trong cuộc gặp gỡ với Đại sứ Nga tại Mỹ.

Hiệp ước Bầu trời mở được ký năm 1992 sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2002. Thỏa thuận cho phép các quốc gia tham gia thực hiện các chuyến bay trinh sát không vũ trang trên toàn bộ lãnh thổ các nước thành viên khác để thu thập dữ liệu về các hoạt động và lực lượng quân sự, theo các hạn ngạch bay đã được thống nhất từ trước.

Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng thứ ba mà Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy sự tham gia của Mỹ kể từ khi ông nhậm chức tháng 1/2017. Trước đó, ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký năm 2015 giữa nhóm P5+1 với Iran, và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga năm 1988. Trong tất cả thông báo về việc rút khỏi các thỏa thuận, ông D.Trump đều hướng chỉ trích về sự vi phạm của bên còn lại.

Hiện đang có 35 quốc gia đã ký kết vào Hiệp ước Bầu trời mở, gồm: Nga, Mỹ và một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Kyrgyzstan là nước đã ký vào văn kiện này, song việc phê chuẩn vẫn chưa được thực hiện.

Một tiêu chí chủ đạo của Hiệp ước Bầu trời mở là tạo dựng lòng tin và hiểu biết giữa các nước thành viên tham gia, thông qua việc cùng tiến hành các chuyến bay do thám trên vùng trời của các nước khác. Hiệp ước được coi là một trong những trụ cột đảm bảo an ninh ở cựu lục địa. Mục đích chính của văn kiện này là để theo dõi thực trạng các quốc gia thực thi những thỏa thuận giải trừ quân bị (mà hàng đầu là Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu), và bằng cách đó hóa giải những mối lo ngại mới phát sinh, xây dựng niềm tin lẫn nhau. Theo thống kê do truyền thông đưa ra, kể từ khi Hiệp ước Bầu trời mở có hiệu lực vào năm 2002, đã có hơn 1.500 chuyến bay được thực hiện theo tinh thần của Hiệp ước này.

...đã khoét sâu những rạn nứt trong quan hệ Nga - Mỹ

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở đã trở thành diễn biến làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ khi hai bên bị đẩy vào một cuộc tranh cãi mới và đổ lỗi cho nhau vì không tuân thủ hiệp ước. Điều này khiến người ta nhớ lại kịch bản đã từng xảy ra khi INF bị khai tử hồi năm ngoái. Việc các hiệp ước vũ khí quan trọng bị khai tử chỉ là những điều diễn ra trên bề nổi, điều đáng lo ngại hơn, đây là một “vết rạn nứt mới” về lòng tin vốn rất khó lòng gây dựng được giữa hai cường quốc.

Ngay trong ngày 21/5, Nga lên án kế hoạch của Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, khẳng định rằng việc này sẽ gây phương hại đến an ninh của châu Âu và ảnh hưởng đến chính lợi ích các đồng minh của Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Moscow đang chờ Washington làm rõ về tuyên bố này. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết, đến nay giới chức Nga chưa nhận được thông báo chính thức từ phía Mỹ, đồng thời nêu rõ Nga không vi phạm hiệp ước. Trong khi đó, một số chuyên gia đã bắt đầu lo ngại về kịch bản Mỹ rút khỏi hiệp ước có thể kéo theo hành động tương tự từ phía Nga và ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh của châu Âu.

Không những thế, động thái mới nhất này của Mỹ cũng được cho là sẽ tiếp tục củng cố những nghi ngờ bấy lâu nay về khả năng Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) sẽ được gia hạn. Việc một Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn tồn tại bị đặt vào trạng thái để ngỏ đã cho thấy những dấu hiệu “mong manh và khó đoán định” trong quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân trên thế giới mà từ trước tới nay luôn trong trạng thái dễ dàng leo thang căng thẳng.

Sau khi INF bị khai tử, Hiệp ước START mới vẫn được nhắc đến là một “chuẩn mực vàng” về giải trừ vũ khí hay công cụ chốt chặn cuối cùng giúp kìm hãm kịch bản chạy đua vũ trang giữa 2 cường quốc. Hiệp ước này sẽ hết hiệu lực vào tháng 2 năm tới và chỉ có thể được gia hạn thêm thời gian 5 năm nếu có sự đồng thuận từ cả Nga và Mỹ. Hiện Nga đã tỏ thiện ý sẵn lòng thực hiện điều này còn Mỹ thì vẫn còn đang lấp lửng và chưa đưa ra phản hồi chính thức.

…và gây hoang mang cho các đồng minh châu Âu

Trên thực tế, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở không phải là một diễn biến bất ngờ bởi điều này đã được đồn đoán từ nhiều tháng trước. Tuy nhiên, động thái mới nhất của Mỹ vẫn được cho là sẽ gây ra tâm lý hoang mang và lo lắng từ các nước đồng minh châu Âu vốn cũng đang tham gia hiệp ước này. Theo quy định, việc một nước rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở sẽ chính thức diễn ra trong vòng 6 tháng, phụ thuộc vào những điều khoản rút khỏi Hiệp ước.

Trong phản ứng mới đây, các đại sứ tại NATO cũng kêu gọi triệu tập họp khẩn trong ngày 22/5 để thảo luận hậu quả từ quyết định mà Mỹ mới đưa ra.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas kêu gọi Washington cân nhắc lại quyết định, đồng thời cho biết Đức, Pháp, Ba Lan và Anh đã nhiều lần giải thích với Mỹ rằng các vấn đề với Nga trong những năm qua "không thể biện hộ" cho việc rút khỏi hiệp ước. Ông Maas cho biết hiệp ước trên "đóng góp cho an ninh và hòa bình tại hầu hết các nước ở Bắc bán cầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi hiệp ước và làm mọi cách để duy trì văn kiện này".

Tuyên bố mới nhất của Tổng thống D.Trump về việc rút Mỹ khỏi Hiệp ước Bầu trời mở không chỉ gây ra những phản ứng trái chiều từ quốc tế mà còn khiến ông phải đương đầu với những “búa rìu” dư luận trong nước. Thượng nghị sĩ Adam Smith cho rằng: "Quyết định của chính quyền rút Mỹ khỏi Hiệp ước Bầu trời mở là một "cú tát" vào mặt các đồng minh ở châu Âu, đặt lực lượng của Mỹ triển khai tại đây vào mối đe dọa... Quyết định này sẽ làm suy yếu các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, khiến Mỹ bị cô lập bởi vì Hiệp ước vẫn sẽ có hiệu lực dù không có Mỹ".

Trong khi đó, người đứng đầu Hiệp hội kiểm soát vũ khí có trụ sở ở Washington, Mỹ - ông Daryl Kimball cũng cho rằng, quyết định của ông D.Trump là “quá nóng vội”./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/hiep-uoc-bau-troi-mo-truoc-nguy-co-do-vo-555410.html