Hiệp ước hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan vẫn còn xa vời

Việc Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev không đến Granada, Tây Ban Nha tham dự cuộc đối thoại với lãnh đạo Armenia được cho là nhằm phản đối việc giới chức châu Âu không đồng ý cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Azerbaijan, tham dự cuộc họp.

Theo truyền thông Azerbaijan, Tổng thống Aliyev muốn Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Azerbaijan, đại diện tại cuộc họp nhưng Pháp và Đức phản đối. Ngoài ra, còn một yếu tố khác khiến lãnh đạo Azerbaijan không đến dự họp là do nước này không hài lòng với những tuyên bố và hành động ủng hộ Armenia của giới chức châu Âu gần đây.

Trước đó, hôm 3/10, trong chuyến thăm đầu tiên tới Armenia của một quan chức phương Tây kể từ khi Azerbaijan tiến hành chiến dịch quân sự giành quyền kiểm soát khu vực ly khai Nagorno-Karabakh, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Catherine Colonna nhấn mạnh, chuyến thăm của bà là sự ủng hộ cụ thể của Pháp đối với Armenia, đồng thời giúp tăng cường khả năng phòng thủ của nước này:

“Chuyến thăm của tôi chỉ đơn giản là một minh chứng rõ ràng hơn nữa về tình hữu nghị, sự hỗ trợ và tình đoàn kết của Pháp với Armenia. Sự đoàn kết của chúng tôi đã được thể hiện rõ ràng trong suốt năm qua. Khi tình hình nhân đạo trở nên tồi tệ hơn, chúng tôi đã tăng cường viện trợ cho người tị nạn và người dân địa phương. Ngoài ra, Pháp đã đồng ý ký kết các hợp tác trong tương lai với Armenia, cho phép cung cấp thiết bị quân sự cho Armenia để nước này có thể đảm bảo khả năng phòng thủ của mình”.

Vị trí vùng ly khai Nagorno-Karabakh. Nguồn: AFP

Việc Tổng thống Azerbaijan Aliyev từ chối dự cuộc gặp với Thủ tướng Armenia Pashinya do Liên minh châu Âu chủ trì tại Tây Ban Nha không chỉ khiến Hiệp ước hòa bình giữa hai bên trở nên xa vời mà còn khiến tình hình hiện tại tại Nagorno-Karabakh tiếp tục bất ổn. Azerbaijan hôm 1/10 phát lệnh truy nã 300 thành viên phe ly khai Nagorno-Karabakh, trong đó có cựu lãnh đạo Arayik Harutyunyan và cựu chỉ huy lực lượng chiến đấu của phe này Jalal Harutyunyan. Bộ Ngoại giao Armenia ngày 4/10 lên án động thái của Azerbaijan và khẳng định sẽ làm mọi điều có thể để đảm bảo quyền lợi của những người “bị bắt bất hợp pháp” ở Nagorno-Karabakh.

Phát biểu trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Catherine Colonna, Thủ tướng Armenia Pashinya cũng yêu cầu quốc tế quan tâm đến vấn đề này: “Tôi phải nhấn mạnh rằng chính quyền Azerbaijan đang thực hiện các vụ bắt giữ trái phép ở Nagorno-Karabakh, điều mà tôi cũng nghĩ rằng nên trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế”.

Theo các chuyên gia, sau khi Azerbaijan kiểm soát tình hình tại Nagorno-Karabakh hôm 19/9, hòa ước với Azerbaijan giờ đây gần như là lựa chọn khả dĩ nhất cho Armenia.

Thỏa thuận sẽ giúp mở đường cho Armenia bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, mở cửa biên giới phía Đông và phía Tây, giảm phụ thuộc toàn diện vào Nga và chấm dứt tình trạng bị cô lập. Để làm được điều này, Armenia có thể sẽ phải chấp nhận nhượng bộ nhiều hơn nữa trước Azerbaijan nếu không muốn nơi này trở thành đấu trường của các cường quốc.

Hạnh Phúc/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/hiep-uoc-hoa-binh-giua-armenia-va-azerbaijan-van-con-xa-voi-post1050543.vov