Hiệp ước Toàn cầu về ô nhiễm nhựa: Đạt tiến bộ đáng kể trước vòng đàm phán cuối cùng

Vừa qua sau hơn một năm đình trệ, tại Hội nghị của Liên hợp quốc tại vòng đàm phán thứ tư về Hiệp ước toàn cầu để giảm ô nhiễm nhựa (khai mạc tại Ottawa, Canada), các nhà đàm phán cuối cùng đã đạt được các tiến bộ mới.

Tại sự kiện này, Giám đốc Chính sách Nhựa Toàn cầu tại GAIA - Ana Rocha cho biết: “Phiên đàm phán thứ 4 này đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa, bất chấp nỗ lực của các quốc gia dầu mỏ và Ngành nhằm ngăn chặn tiến trình và giảm bớt tham vọng.”

Giám đốc Chính sách Nhựa Toàn cầu tại GAIA đồng thời chia sẻ: “Tiếng trống giảm sản xuất nhựa đang ngày càng lớn từ các quốc gia trên toàn thế giới. Ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo nhận thức được điều mà khoa học và kinh nghiệm sống của chúng ta mách bảo: nhựa là ô nhiễm và chúng ta cần ngăn chặn nó ngay từ khi nó bắt đầu.”

Việt Nam có nhiều nỗ lực thảo luận hướng tới Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Cuộc họp ở Ottawa được coi là rất quan trọng, vì đây là phiên áp chót trước vòng đàm phán cuối cùng tại Hàn Quốc vào cuối năm nay. Trước đó nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa và bảo vệ môi trường, năm 2022, các quốc gia đã nhất trí hoàn tất một hiệp ước đầu tiên trên thế giới vào cuối năm 2024 với các biện pháp cụ thể để chống ô nhiễm nhựa.

Tại phiên đàm phán này Rwanda và Peru đệ trình mục tiêu giảm thiểu tác hại môi trường từ việc sản xuất nhựa, hướng đến cắt giảm lượng carbon khổng lồ từ quá trình sản xuất nhựa. Với mục tiêu cắt giảm 40% sản lượng polyme nhựa sơ cấp trên toàn thế giới vào năm 2040, hai nước này đồng thời kêu gọi các quốc gia xem xét báo cáo dữ liệu hằng năm. Cụ thể, đề xuất đệ trình này kêu gọi các quốc gia xem xét báo cáo bắt buộc về dữ liệu thống kê về sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu nhựa nguyên sinh.

Thông tin về vòng đàm phán này GAIA (liên minh của hơn 1,000 nhóm cơ sở, tổ chức phi chính phủ và cá nhân tại hơn 90 quốc gia hướng tới xúc tác sự thay đổi toàn cầu theo hướng công bằng, môi trường bằng cách tăng cường các phong trào xã hội cấp cơ sở, thúc đẩy các giải pháp chống lãng phí, ô nhiễm, ô nhiễm nhựa…) cho biết, một bước nhảy vọt khác trong quy trình hiệp ước, các quốc gia đã bắt đầu đàm phán về chính văn bản hiệp ước (lần đầu tiên) và Dự thảo Zero sửa đổi dài dòng và khó sử dụng trước đó đã được rút gọn thành tiền thân khả thi cho một hiệp ước cuối cùng (văn bản điều ước).

Tại dự thảo sửa đổi được sắp xếp hợp lý này, các ưu tiên chính sách quan trọng của GAIA có vai trò rất lớn: giảm lượng polyme nhựa nguyên sinh, loại bỏ các hóa chất độc hại trong sản phẩm, cơ chế tài chính độc lập và đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng.

Với sự tham dự của 175 quốc gia phiên đàm phán này đã cho thấy sự ủng hộ quyết liệt và ngày càng tăng giữa các bên về sự cần thiết của hiệp ước về nhựa phải bao gồm các mục tiêu giảm thiểu nhựa, với hơn 50 mục tiêu. Đây là lần đầu tiên đàm phán về việc hạn chế sản xuất nhựa toàn cầu với mục tiêu giảm 40% lượng nhựa trong 15 năm tới.

Tương tự Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, thỏa thuận mới về giảm rác thải, ô nhiễm nhựa cũng có tính ràng buộc về pháp lý. Đây là điều kiện để các nước hạn chế sự nóng lên toàn cầu và duy trì nhiệt độ Trái đất không vượt ngưỡng 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Sản xuất nhựa được xem là nguyên nhân quan trọng gây ra sự thay đổi của khí hậu, vì hầu hết nhựa được làm từ nhiên liệu hóa thạch. Tại Hoa Kỳ, ngành nhựa được coi là tác nhân chính gây ra khủng hoảng khí hậu vì tạo ra nhiều chất độc hại hơi cả năng lượng than đá. Sản lượng nhựa toàn cầu tăng vọt từ 2 triệu tấn năm 1950 lên 348 triệu tấn vào năm 2017. Ngành sản xuất nhựa dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất vào năm 2040 và thải ra khoảng 11 triệu tấn nhựa ra đại dương. Theo các chuyên gia quốc tế, ước tính đến năm 2050, sản xuất nhựa có thể chiếm tới 21-31% ngân sách phát thải carbon của thế giới.

Q.Minh

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/hiep-uoc-toan-cau-ve-o-nhiem-nhua--dat-tien-bo-dang-ke-truoc-vong-dam-phan-cuoi-cung-120410.htm