Hiểu biết và Tỉnh táo để yêu nước đúng cách

Ngày 10 - 11/6 vừa qua, ở một số khu vực của TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tiền Giang, Bình Thuận..., mượn cớ thể hiện lòng yêu nước, một số người đã tụ tập phản đối Luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Sự việc khiến nhiều tuyến giao thông huyết mạch ở các địa phương này bị ách tắc nhiều giờ, việc đi lại làm ăn của nhiều người dân bị ảnh hưởng, gây mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội… Không chỉ vậy, ở một số nơi, một số người quá khích còn đập phá, hủy hoại tài sản công và tài sản của công dân. Một số phần tử cực đoan còn ném đá, ném bom xăng vào trụ sở cơ quan nhà nước, tấn công lực lượng cảnh sát giữ gìn trật tự,…

Lật lại thời gian, theo lịch trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

“Nhưng sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và nhân dân cả nước, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật này từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Riêng về vấn đề thời hạn cho thuê đất, sẽ xem xét, trình Quốc hội cho áp dụng như các quy định của Luật Đất đai, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm”, Thông cáo Báo chí của Văn phòng Chính phủ ngày 8/6 nêu rõ.

Và ngày 11/6, 423/432 đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu tán thành lùi thời hạn thông qua dự án luật này theo đề nghị của Chính phủ.

Qua việc Chính phủ đề xuất kịp thời và Quốc hội đã biểu quyết ủng hộ, thấy Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội đã lắng nghe và hành động vì ý chí, mong muốn và nguyện vọng của nhân dân.

Lời bàn:

Yêu nước là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Tinh thần yêu nước luôn trong tim của mọi người Việt, dù họ ở nơi đâu. Trong hàng ngàn năm qua, lòng yêu nước của người Việt đã được phát huy cao độ, giúp dân tộc ta đánh tan nhiều cuộc xâm lăng, đánh đuổi nhiều kẻ xâm lược và dựng xây nền độc lập, tự chủ dù lực của ta không bằng kẻ địch.

Thêm nữa, phải khẳng định rằng, trong lịch sử cũng như hiện tại trong nước và quốc tế, chưa bao giờ hành động đập phá tài sản, dù của công hay của tư được coi là lòng yêu nước mà đó là hành động vi phạm pháp luật phải được nghiêm trị.

Qua sự việc trên, thấy số người tham gia phản đối dự án Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc bằng việc tụ tập đông người và có hành động quá khích, cực đoan hầu hết thiếu thông tin về việc Chính phủ đã có đề nghị Quốc hội lùi thời gian và điều chỉnh một số điều của dự án luật.

Thứ hai, do thiếu thông tin và sự hiểu biết nên một số người đã bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, từ đó dẫn đến những hành động hủy hoại tài sản nhà nước và công dân, hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ ba, công tác truyền thông về dự án luật chưa được các cơ quan chức năng thực hiện tốt, dẫn tới sự lợi dụng của thế lực thù địch.

Về vấn đề này, bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhắc lại tư tưởng của Bác: Phải dựa vào dân, phải thấu hiểu lòng dân, lắng nghe ý kiến của dân, phải nói cho dân hiểu, phải làm cho dân tin. Và khẳng định: Đó là điều cốt lõi làm cho Dân tin Đảng, tin Nhà nước để Dân yên tâm.

Chỉ có sự hiểu biết đầy đủ mới giúp mọi người dân tỉnh táo, qua đó thể hiện lòng yêu nước đúng nghĩa và không bị lợi dụng.

Thanh Hiền

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/hieu-biet-va-tinh-tao-de-yeu-nuoc-dung-cach-post20008.html