Hiểu cho đúng việc người hiến tạng phải trả chi phí xét nghiệm

Thông tin người hiến mô, tạng khi còn sống phải tự trả chi phí làm xét nghiệm lên tới gần 20 triệu đồng, làm dư luận hoang mang về sự trao tặng đầy thiện tâm của người hiến. Phóng viên Nhân Dân điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia về những vấn đề chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người hiến, người đăng ký hiến tạng.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia.

PV: Thưa ông Nguyễn Hoàng Phúc, việc người hiến phải chi trả khoản chi phí lớn cho các xét nghiệm được hiểu như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Theo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, người hiến mô tạng lúc sống sẽ được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí sau khi hiến, được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép tạng, được tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân. Người hiến tạng lúc sống cũng được hỗ trợ tiền thuê phòng ngủ nếu không thể đi về trong ngày; được hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại khám sức khỏe định kỳ… Những người có thẻ BHYT nếu đăng ký hiến tặng được BHYT thanh toán một số các xét nghiệm cơ bản như nhóm máu, nước tiểu hay chiếu chụp X-quang...

Gần đây nhất, đại biểu quốc hội, GS,TS Nguyễn Anh Trí từng lên tiếng về vấn đề, người hiến phải tự bỏ tiền làm các xét nghiệm trước khi xác định đủ điều kiện hiến hay không. Đó là barie rào cản với người hiến sống. Bởi vì hiện nay, với những trường hợp hiến tặng vô danh, vô vụ lợi không cùng huyết thống, Luật hiến ghép mô cơ thể người và Luật BHYT chưa đề cập đến vấn đề chi phí xét nghiệm, nên các bệnh viện cũng chưa có cơ sở để thanh toán. Người hiến sẽ phải tự chi trả chi phí có thể lên đến 15-20 triệu đồng cho các xét nghiệm nhóm máu, kháng nguyên bạch cầu người (HLA), chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp… Luật rất chặt chẽ bởi nếu miễn phí việc xét nghiệm, có thể xuất hiện những người có động cơ không trong sáng, như đăng ký hiến để kiểm tra sức khỏe miễn phí xong rồi không hiến nữa.

Thực tế, Luật BHYT chưa có đánh giá khoa học giữa lợi ích ghép với điều trị cụ thể. Lợi ích của ghép tạng tốt hơn nhiều so với điều trị kéo dài. Việc ghép sẽ giảm chi phí rất nhiều so với quỹ BHYT phải thanh toán cho bệnh nhân phải điều trị máu, suy thận, suy gan, suy tim… nhiều năm.

Do đó, theo tôi, cần phải có điều chỉnh cụ thể trong Luật BHYT theo hướng BHYT thanh toán toàn bộ chi phí xét nghiệm đánh giá các chỉ số của người hiến tạng. Một người sẵn sàng tình nguyện hiến một phần cơ thể như một phần lá gan, thận… phải trân trọng, tôn vinh họ và phải có trách nhiệm với họ. Từ thực tiễn đó, cần ban hành sửa đổi hệ thống về Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, đồng bộ với Luật BHYT để bổ sung quy định đó, bảo đảm quyền lợi cho người hiến.

PV: Với vai trò là cơ quan điều phối ghép tạng quốc gia, hiện nay, việc xây dựng phần mềm danh sách chờ ghép quốc gia đã được triển khai đến đâu và việc này có ý nghĩa thế nào trong công tác điều phối?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Với vai trò là cơ quan điều phối tạng quốc gia, Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia đã có nhiều cuộc điều phối tạng nhanh chóng, trong đó có ba cuộc ghép tạng xuyên Việt được thực hiện thành công nhờ công tác điều phối này.

Ngày 26-2-2018, một người chết não đã hiến tặng tim, thận, phổi, giác mạc cho sáu người, giúp sáu người bệnh cải thiện cuộc sống. Nhờ công tác điều phối và triển khai phần mềm danh sách chờ ghép quốc gia, đã nhanh chóng tìm được người nhận phù hợp các chỉ số từ người hiến. Trong đó, có hai bệnh nhân bị suy tim và thận giai đoạn cuối tại Bệnh viện Chợ Rẫy may mắn nhận được nguồn tạng hiến nhờ công tác điều phối này.

Phầm mềm danh sách chờ ghép quốc gia được triển khai từ năm 2016 và các đơn vị đang từng bước cập nhật dữ liệu. Các bệnh nhân chờ ghép trong cả nước sẽ được nhập thông tin vào phần mềm điều phối danh sách chờ ghép quốc gia. Nhờ đó, khi có người hiến tạng, phần mềm sẽ điều phối tìm được người phù hợp và tìm ra người nhận theo đúng thứ tự ưu tiên.

Việc triển khai phần mềm điều phối sẽ giúp tránh tối đa hạn chế lãng phí nguồn tạng. Bên cạnh đó, bệnh nhân chờ ghép không phải di chuyển từ chỗ A sang chỗ B mà chỉ vận chuyển tạng, hạn chế tối đa sự đi lại vất vả cho bệnh nhân, giảm thiểu nguy cơ lãng phí tạng. Bệnh nhân được hưởng lợi tối đa, thay vì chờ đợi một cơ sở y tế thì ít nhất có 17 đơn vị cơ sở y tế trên cả nước có thể có nguồn tạng.

Khi có bệnh nhân ghép tạng, ngay lập tức toàn bộ chi phí cho hồi sức, cứu chữa, xử lý bệnh nhân suy tạng trong hàng chục năm trở về chỉ còn khoảng ngắn. Điều đó có lợi cho bệnh nhân, lợi cho quỹ BHYT. Thêm nữa, khi có bệnh nhân được ghép tạng tại Việt Nam, cũng góp phần giảm nguy cơ chảy máu ngoại tệ của các bệnh nhân ra nước ngoài điều trị.

PV: Thưa ông, hiện có nhiều khoảng trống về chính sách mà Trung tâm cũng đang kiến nghị, đề xuất để thay đổi, trong đó có việc quy định độ tuổi đăng ký hiến tặng mô, tạng? Xin ông có thể chia sẻ về điều này?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Hiện nay, Luật pháp quy định công dân khi 18 tuổi, có thể hiến tạng ngay khi còn sống hoặc đăng ký sau khi chết, chết não. Độ tuổi này thể hiện ý nghĩa về việc đủ năng lực hành vi dân sự, tâm sinh lý trưởng thành mà không có nguy cơ xảy ra vụ sốc tâm lý sau này. Với những người tim ngừng đập, chết bình thường thì không giới hạn độ tuổi hiến nên có những cháu bé có thể hiến giác mạc, da, gân, xương.

Tôi cho rằng, từ thực tiễn thời gian qua, nếu một người trước 18 tuổi (chưa đủ tuổi đăng ký hiến tạng), không may bị chết não mà họ đã có ý nguyện mong muốn được hiến tạng và gia đình xác nhận chuyện đó, đồng ý thì chúng ta nên tiếp nhận. Tuy nhiên, để làm việc đó phải sửa Luật hiện nay.

Tại Mỹ, gần đây Luật pháp cũng đã thay đổi theo hướng, cho dù một người không có thẻ đăng ký hiến tặng mô tạng nhưng sau khi chẩn đoán là chết não mà gia đình xác quyết tâm nguyện mong muốn hiến tạng, không phản đối thì Luật pháp Mỹ cho phép tiếp nhận tạng. Với dòng chảy tự nhiên đó, ta có thể đề xuất với Quốc hội sửa Luật. Một mặt giải quyết câu chuyện đáp ứng được tâm nguyện của người thân có người chết não, mặt khác đáp ứng được nguồn tạng hiến đang rất hiếm hoi.

Theo tôi, cũng nên sửa đổi hệ thống Luật Giao thông trong cấp bằng lái xe, có thêm một trường thông tin người xin cấp có đồng ý hiến, tặng mô, tạng hay không. Điều đó giúp mọi người thêm cơ hội lựa chọn, thêm cơ hội đăng ký hiến tạng mô, tạng mà không nhất thiết phải đến các bệnh viện đăng ký. Thế giới đã thực hiện điều này khi họ tích hợp thẻ hiến tạng trong bằng lái xe với các thông số về sức khỏe của họ.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

THIÊN LAM (thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tieu-diem/item/35847302-bat-cap-khi-nguoi-hien-tang-phai-tu-tra-chi-phi-xet-nghiem.html