Hiểu đất, hiểu cây - biến cơ hội thành cơ ngơi trù phú

Nhìn lại cuộc đời, nữ nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019 Phùng Thị Thơ, SN 1960, trú tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội thầm cảm ơn những gian khó của cuộc đời, sự trợ giúp tích cực của người thân đã cho bà cơ hội thành công ngay tại mảnh đất quê mình…

Muốn nuôi trồng thành công phải hiểu đất, hiểu cây

Mỗi buổi sáng thức dậy, người phụ nữ nông dân Phùng Thị Thơ, chủ nhân của khu chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình Vườn - Ao - Chuồng (VAC) thường tất tả đi thăm đất, thăm ao vườn của gia đình mình với diện tích gần 20ha. Nhìn những cây bưởi ngát xanh, quả trĩu cành; những vạt dứa ngút tầm mắt, những con lợn, con gà cùng âm thanh quen thuộc rồi nhìn xuống đôi bàn tay chai sần vì sỏi đá, vì cuốc đất, buộc cành, bà thấy quá yêu mảnh đất quê cũng như công việc mình gắn bó hơn 20 năm qua.

Sinh ra trong gia đình nhà nông nghèo đông con, sau khi đi thanh niên xung phong trở về địa phương rồi làm dâu cũng trong một gia đình nông dân, bà Thơ biết được rằng, cuộc đời bà sẽ gắn chặt với ruộng, với đất. Chỉ khác là, nếu những người phụ nữ thuần nông khác, họ chỉ có phần ruộng được chia theo nhân khẩu thì bà lại mạnh dạn và liều lĩnh bởi dám nhận 12ha đất đồi trọc cằn cỗi theo hình thức giao đất 50 năm của xã khi trong nhà không có nhiều tiền.

Nhớ lại những ngày đầu nhận đất, rời bỏ làng đi khai hoang, bà Thơ nhận được nhiều lời khuyên của người làng, rằng ruộng đất màu mỡ còn không ăn thua, huống chi đi khai hoang vùng đất đồi núi, khô cằn này. Gạt đi tất cả, bà Thơ quyết chí lên đường. Và khó khăn nối tiếp khó khăn khi nền tảng kinh tế ban đầu vô cùng thiếu và yếu. Giữa mênh mông đồi núi, bên cạnh là các con nhỏ đang cần ăn học, trong túi chẳng có tiền đầu tư, bà Thơ đau đáu những suy nghĩ làm thế nào để xoay chuyển tình thế. Vốn là người tự trọng, đã quyết thì sẽ cố gắng làm bằng mọi cách và không bỏ cuộc. Thời gian đầu, bà trồng ngô, khoai, sắn... trên đồi nhưng không đem lại hiệu quả bởi chỉ sau một trận mưa to là mất hết.

Thất bại đầu tiên giúp bà hiểu rằng không thể làm theo thói quen được mà phải bằng khoa học. Biết mình hạn chế hiểu biết về vấn đề này, bà tìm gặp các chuyên gia nông nghiệp, nhà nghiên cứu về cây trồng, vật nuôi để nghe tư vấn; tham khảo các giải pháp khắc phục. Từ đây, bà ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc am tường khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng của địa phương trong việc lựa chọn loại cây phù hợp, sinh trưởng tốt. Sườn núi Ba Vì thường xuyên bị xói mòn, đất cằn, đồi cao, rất phù hợp với điều kiện sinh trưởng của cây dứa. Thế là bà chọn dứa là cây trồng chủ đạo. Năm đầu tiên thu nhập từ cây dứa cho kết quả thắng lợi, làm tiền đề cho các năm tiếp theo.

Bà Phùng Thị Thơ (đứng giữa) chăm sóc vườn cây.

Bà Phùng Thị Thơ (đứng giữa) chăm sóc vườn cây.

Ham học hỏi, giàu lòng nhân ái

Từ kiến thức lĩnh hội được cùng kinh nghiệm của bản thân, bà Thơ phát triển trang trại VAC thành một tổ hợp đa dạng với hàng chục loại vật nuôi như trâu, bò, lợn gà, cá, ba ba... cùng nhiều loại cây ăn quả như dứa, bưởi, nhãn và các loại cây trồng có giá trị kinh tế khác. Phương châm làm kinh tế nông nghiệp của bà là lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi và không được nóng vội, nhất là khi hạn chế về vốn. Cây 1 tháng tuổi cho thu hoạch sẽ nuôi cây 3 tháng tuổi, cây 3 tháng lại nuôi cây 6 tháng, cây 6 tháng tiếp tục nuôi cây 1 năm… Cứ như vậy, nguồn vốn lớn dần qua từng năm, nguồn lực của bà cũng ngày càng mạnh hơn.

Suốt quá trình làm trang trại, có một điều bà Thơ luôn tâm niệm, đó là: Đã làm nông nghiệp là phải sạch, phải thật và phải chất lượng. Chẳng thế mà thực phẩm từ trang trại của bà Thơ không hề sử dụng thuốc tăng trọng, các loại cây cũng rất hạn chế việc phun thuốc trừ sâu. Bà thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như đầu tư hệ thống phun, tưới nước tự động để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng; xử lý chất thải vật nuôi bằng chế phẩm vi sinh để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Cho đến nay, những khách hàng, đối tác của bà đều là bạn hàng lâu năm; những bạn hàng mới cũng vì tin tưởng, yêu mến mà lựa chọn sản phẩm từ trang trại của bà và ngày càng nhiều công ty phân phối thực phẩm có thương hiệu tìm về tận nơi đề nghị trang trại làm thương hiệu để cung cấp sản phẩm thường xuyên cho chuỗi cửa hàng của họ.

Cách làm của bà chẳng những thu hút khách hàng mà còn là địa chỉ để những nông dân các tỉnh, thành trên cả nước, thậm chí cả nước bạn tín nhiệm và tìm đến tham quan, học tập. Quan tâm đến những người nông dân làm kinh tế là một nhẽ, bà Thơ còn dành tâm sức cho những người nông dân làm thuê. Ấy là khi đã có của ăn, của để, bà bắt tay vào mở rộng quy mô, trước là tăng thêm thu nhập, sau là tạo việc làm cho trên 20 lao động trong làng với mức lương từ 4-7 triệu đồng/tháng. Thu nhập được cải thiện, và còn học thêm được nhiều kiến thức chăm sóc cây trồng nên họ rất phấn khởi.

Nói về nữ Nông dân Việt Nam xuất sắc Phùng Thị Thơ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Đỗ Thị Hồng Minh cho biết, bà Phùng Thị Thơ là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; mô hình kinh tế gia đình bà xây dựng là mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nông thôn mới tại xã Vật Lại nói riêng và tại huyện Ba Vì nói chung.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hieu-dat-hieu-cay-bien-co-hoi-thanh-co-ngoi-tru-phu-177406.html