Hiểu đúng Thiền để cân bằng cuộc sống

Giữa cuộc sống bộn bề âu lo, Thiền được xem là giải pháp giúp con người cân bằng cuộc sống. Không chỉ các nhà thiền học mà khoa học đã chứng Thiền có lợi cho sức khỏe.

Thiền là gì?

Thiền là thuật ngữ được nhiều tôn giáo sử dụng để chỉ những phương pháp tu tập khác nhau, nhưng với một mục đích duy nhất là: đạt kinh nghiệm "Tỉnh giác", "Giải thoát", "Giác ngộ".

Ở góc độ tổng thể, Thiền là một trạng thái tâm thức không thể định nghĩa, không thể miêu tả và phải do mỗi người tự nếm trải. Trong nghĩa này thì Thiền không nhất thiết phải liên hệ với một tôn giáo nào cả, kể cả Phật giáo.

Còn trong phật giáo, nó mô tả một dạng trạng thái cơ thể. Các trào lưu triết học Ấn Độ hiểu Thiền là sự tư duy, tập trung lắng đọng. Theo đạo Phật, hành giả nhờ Thiền mà đạt đến một trạng thái sâu lắng của tâm thức.

Trong đó toàn bộ tâm thức chỉ chú ý đến một đối tượng thiền định thuộc về tâm hay vật. Tâm thức sẽ trải qua nhiều chặng, trong đó lòng tham dục dần dần suy giảm. Phật giáo cho rằng Thiền trải qua nhiều giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, hành giả buông xả lòng tham dục và các pháp bất thiện, có cảm giác hỉ lạc.

Trong giai đoạn hai, tâm suy tưởng được thay thế bằng một nội tâm yên lặng, tâm thức trở nên sắc sảo bén nhọn. Hành giả tiếp tục ở trong trạng thái hỉ lạc. Qua giai đoạn ba sẽ cảm nhận sự nhẹ nhàng khoan khoái. Trong giai đoạn bốn, hành giả an trú trong sự xả bỏ và tỉnh giác.

Tiến sĩ khoa tâm lý học kiêm Thiền sư người Anh David Fontana từng tóm tắt: “Thiền không có nghĩa là ngủ gục; để tâm chìm lặng vào cõi hôn mê; trốn tránh, xa lìa thế gian; vị kỉ, chỉ nghĩ tới mình; làm một việc gì không tự nhiên; để rơi mình vào vọng tưởng; quên mình ở đâu. Thiền là: giữ tâm tỉnh táo, linh động; chú tâm, tập trung; nhìn thế giới hiện hữu rõ ràng như nó là trau dồi tấm lòng nhân đạo; biết mình là ai, ở đâu”

Dấu hiệu chung của tất cả các dạng tu tập Thiền là sự hướng dẫn con người đạt một tâm trạng tập trung, lắng đọng, như là một hồ nước mà người ta chỉ có thể nhìn thấu đến đáy nếu mặt nước không bị xao động.

Chung quy lại có rất nhiều định nghĩa về Thiền, mỗi một tôn giáo, mỗi cá nhân có cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên tựu chung lại, Thiền là một trạng thái cảm xúc cơ thể.

Thiền khám phá nội tâm

Không chỉ các nhà thiền học mà khoa học cũng đã chứng minh, thiền định là biện pháp luyện tập mang lại lợi ích to lớn cho sức khỏe. Ở trạng thái thiền định sẽ giúp tinh thần minh mẫn và trí tuệ sáng suốt. Điều này vô cùng quan trọng, nó giúp cơ thể có được một cuộc sống cân bằng là có một tâm lý bình tĩnh.

Các nhà thiền học lý giải trong cuộc sống mỗi một cá nhân chịu rất nhiều tác động kèm những ưu lo. Đó là các mối quan hệ xã hội, là chuyện “cơm áo gạo tiền” và cả những tranh đua, đố kị. Tất cả khiến con người tâm trạng nặng nề, ở góc độ nào đó nó khiến con người cư xử “nóng nảy” với nhau.

Đối lập lại, trạng thái Thiền giúp cơ thể thả lỏng, khí huyết lưu thông. Ở trạng thái này con người dường như gạt bỏ hết ưu phiền. Bởi vậy nên Thiền giúp cân bằng cuộc sống. Thiền là để tĩnh tâm, gạt bỏ mọi tạp niệm để nhận thức bản ngã và thế giới xung quanh một cách đúng đắn, sáng suốt nhất.

Có thể coi Thiền là sự kết hợp giữa thân thể và ý niệm trong thời gian – không gian hiện tại để nhận biết sự vật, hiện tượng và ý niệm.

Lưu ý khi tập Thiền

Rất nhiều người trong chúng ta lại gặp rất nhiều khó khăn để có thể tĩnh tâm và ngồi thiền đúng cách khi mà những áp lực từ công việc, từ trách nhiệm gia đình, xã hội vẫn đang đè nặng lên vai.

Trước tiên, hãy bắt đầu Thiền định một cách chậm rãi. Chúng ta ai cũng bận rộn trong khi việc thiền định lại cần một khoảng thời gian tương đối để luyện tập và làm quen. Các chuyên gia khuyên, bạn nên bắt đầu một cách từ từ, chậm rãi bằng cách chọn một khoảng thời gian nhất định trong ngày để luyện tập để não bộ của bạn sẽ quen với thời gian tập thiền này.

Hãy bắt đầu với những bài tập thở vào các giờ nghỉ giải lao như nghỉ trưa chẳng hạn. Hãy cố gắng thiền ngay sau khi bạn vừa ngủ dậy và nhớ chú tâm vào tập thở một cách nhịp nhàng nhất.

Thứ hai, luôn nhớ để cơ thể ở trạng thái thoải mái nhất. Đừng ép buộc cơ thể mình tiến vào trạng thái thiền định. Bạn càng cố thì sẽ càng khó để tĩnh tâm và thiền định bởi lúc đó trong đầu bạn sẽ liên tục vang lên suy nghĩ, làm thế nào để tĩnh tâm, làm sao để gạt bỏ suy nghĩ của mình đi.

Thứ ba, hãy lắng nghe cơ thể “lên tiếng”. Nghe có vẻ trừu tượng nhưng nói như các chuyên gia thiền học, sự lắng nghe cơ thể tùy mỗi cá nhân cảm nhận. Hãy thả lỏng một cách tự nhiên và thư giãn nhất, cố gắng làm điều này với mọi bộ phận của cơ thể. Hãy tập trung sự chú ý của mình vào từng bộ phận trên cơ thể để thả lỏng và thư giãn các cơ bắp tại đó một cách hiệu quả nhất.

Thứ tư, đón nhận tất cả cảm xúc của bản thân, những trải nghiệm mà bạn gặp trong ngày bất kể chúng là cảm xúc tiêu cực hay tích cực đi chăng nữa. Việc chấp nhận tất cả những cảm xúc này giúp bạn dễ dàng để chúng trôi đi và đạt được sự yên bình trong tâm trí.

Nếu bạn quá bận rộn và cảm thấy khó để có thể tự mình nghiên cứu và tập luyện thì hãy kiếm một người bạn hay một nhóm bạn để giúp đỡ mình tập thiền hàng ngày. Một người bạn đáng tin cậy hay một nhóm nhỏ có thể giúp bạn có động lực hơn trong việc tĩnh tâm, thiền định hàng ngày.

Thử một bài thiền đơn giản

Các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng, nếu bạn không thể tham gia các bài tập quy chuẩn, thì hãy bắt đầu bằng những bài tập nhỏ, chỉ cần bạn chăm tập thì sẽ "tích tiểu thành đại".

Bài tập vô cùng đơn giản, phù hợp với tất cả mọi người, đó là ngồi vắt chéo chân (ngồi thiền). Đây là bài tập giúp giảm thiểu các bệnh liên quan đến đau thần kinh tọa, giúp tuần hoàn máu tốt, giải phóng căng thẳng cho não.

Từ đó thúc đẩy tuần hoàn máu lên não và tất cả các cơ quan khác trong cơ thể. Không những thế, ngồi thiền còn giúp bạn tĩnh tâm, tái tạo năng lượng, dễ dàng chìm vào giấc ngủ nhanh chóng, ngủ sâu giấc không mộng mị.

Những người phụ nữ làm nội trợ bận rộn suốt ngày, cũng nên dành 5 phút ngồi thiền tập hít thở sâu trước khi đi ngủ để giải phóng cơ bụng và cơ lưng. Tập nhiều có thể giảm đau trong kỳ kinh nguyệt, ngăn ngừa sự xuất hiện của bệnh đau cột sống ở phụ nữ.

Ngồi thiền còn giúp mở rộng các khớp vùng chậu, xoa dịu tĩnh mạch chân, giảm các chứng bệnh về phụ khoa, rong kinh hoặc hạn chế các loại bệnh do bế tắc vùng chậu.

Nam giới ngồi thiền 5 phút trước khi ngủ cũng đạt được những lợi ích vô cùng lớn. Mở rộng khớp háng giúp bạn dưỡng thận, cải thiện chức năng sinh lý, giúp máu dễ dàng lưu thông và hoạt động hiệu quả hơn.

Đây cũng là cách giúp duy trì thận và tuyến tiền liệt khỏe, hạn chế các chứng bệnh xuất hiện gây ảnh hưởng đến thận và chức năng sinh lý của nam giới. Nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên ngồi thiền tập thở trong vòng 5p trước khi ngủ sẽ giúp chân của bạn sẽ trở nên săn chắc, rắn rỏi và giảm mỡ đùi đáng kể.

Tú Uyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/lam-dep/hieu-dung-thien-de-can-bang-cuoc-song-393574.html