Hiệu quả 6 đề án quan trọng về xây dựng Đảng

Bám sát các quan điểm đổi mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, ngay từ đầu nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 6 đề án về công tác xây dựng Đảng. Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn tỉnh đã chủ động triển khai, đạt nhiều kết quả nổi bật.

Đồng chí Lê Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giải cho các thí sinh tham dự Hội thi báo cáo viên giỏi tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 6 (tháng 7-2019).

Đồng chí Lê Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giải cho các thí sinh tham dự Hội thi báo cáo viên giỏi tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 6 (tháng 7-2019).

Nhiệm kỳ 2015-2020, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành 6 đề án về công tác xây dựng Đảng gồm: Đề án số 01-ĐA/TU về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020”; Đề án số 02-ĐA/TU về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở, giai đoạn 2016-2020”; Đề án số 04-ĐA/TU về “Tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020”; Đề án số 05-ĐA/TU về “Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016-2020”; Đề án số 06-ĐA/TU về “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng tỉnh Thái Nguyên trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016-2020” và Đề án số 07-ĐA/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016-2020”.

Tỉnh đã tích cực nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn của tỉnh thông qua việc xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các đề án. Trong đó nổi bật phải kể đến là xây dựng, triển khai Đề án số 06-ĐA/TU, về “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng tỉnh Thái Nguyên trong sạch vững mạnh, giai đoạn 2016-2020”.

Bám sát các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cơ quan tham mưu thực hiện tốt 7 chỉ tiêu của Đề án. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Đề án cơ bản hoàn thành, có chỉ tiêu vượt mức theo lộ trình đề ra như: Chỉ tiêu hằng năm có trên 90% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; chỉ tiêu hằng năm có trên 80% đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thông qua việc thực hiện các chỉ tiêu này, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng có chuyển biến rõ rệt, số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng dần theo từng năm; việc đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh sát thực hơn. Các tổ chức cơ sở đảng giữ vững vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt là các đảng bộ đã có nhiều giải pháp trong nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phát triển đảng viên mới, giảm số chi bộ sinh hoạt ghép…

Đặc biệt Đề án số 02 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở”, có 5/5 chỉ tiêu đều hoàn thành. Thông qua việc thực hiện Đề án, 100% xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh có quy ước, hương ước; toàn tỉnh có gần 1.300 ban thanh tra nhân dân, trên 350 ban giám sát đầu tư của cộng đồng, góp phần ngăn ngừa hạn chế, tiêu cực ngay từ cơ sở; công tác cải cách hành chính, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao đạo đức công vụ có chuyển biến tích cực.

Trường THCS Độc Lập (TP Thái Nguyên) là một trong những cơ sở giáo dục được đánh giá cao về việc lồng ghép dạy lịch sử địa phương cho học sinh.

Ở lĩnh vực tuyên giáo việc triển khai thực hiện Đề án số 04 về “Tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân”, mang lại nhiều kết quả tích cực theo đúng mục tiêu đề ra. Sau 4 năm thực hiện Đề án có 19/42 sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã xuất bản được cuốn lịch sử truyền thống của ngành đến năm 2010; cấp huyện có 7/9 địa phương đã biên soạn bổ sung xuất bản cuốn lịch sử Đảng bộ đến năm 2015; cấp xã có 149/180 địa phương biên soạn, xuất bản cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương; trên 90% cán bộ, đảng viên và nhân dân được hưởng thụ thông tin tuyên truyền về các sự kiện lịch sử. Đặc biệt bộ môn mà nhiều học sinh “ngại” học vì nhiều thông tin, sự kiện, số liệu đã có những chuyển biến tích cực khi lồng ghép giáo dục lịch sử địa phương gắn với lịch sử dân tộc.

Trao đổi cùng chùng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Minh Anh, Trường THCS Độc Lập (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Các giáo viên biết lồng ghép các sự kiện, nhân vật lịch sử của địa phương vào những bài giảng phù hợp mang lại hiệu quả rất tốt, qua đó, các em học sinh ghi nhớ và hiểu biết hơn về truyền thống quê hương. Đơn cử như khi dạy bài “Thái Nguyên từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV”, để tiết giảng hiệu quả, tôi chọn ra những hoạt động nhóm phù hợp với năng lực của các em. Nếu nguồn tư liệu ít tôi sẽ định hướng để các em khai thác thêm để có những bài viết tốt. Thông qua những tiết học như thế này, lịch sử địa phương trở thành kiến thức cầu nối mang tính thực tiễn và có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.

Kết quả thực hiện các đề án là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Bởi ngay sau khi các đề án được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc, chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức học tập quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động. Căn cứ các chỉ tiêu của các đề án, các Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, MTTQ, các đoàn thể cấp tỉnh và các đảng bộ trực thuộc đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp tổ chức thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các đề án được tiến hành thường xuyên, qua đó đã kịp thời biểu dương những đơn vị, địa phương làm tốt, đồng thời chấn chỉnh, phê bình những nơi chưa thực hiện nghiêm túc… Về cơ bản các chỉ tiêu đề ra trong các đề án đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng của toàn Đảng bộ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; nội bộ Đảng, chính quyền, các đoàn thể, dân tộc, tôn giáo được đoàn kết và gắn bó chặt chẽ hơn, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với nhiều cách làm hiệu quả, phù hợp, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được nâng cao; phương thức, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được đổi mới, tăng cường so với nhiệm kỳ trước. Đây là cơ sở để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX tiếp tục nghiên cứu xây dựng và triển khai các đề án về công tác xây dựng Đảng, giai đoạn 2020-2025.

Hằng Nga

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/chinh-tri/hieu-qua-6-de-an-quan-trong-ve-xay-dung-dang-275953-97.html