Hiệu quả bước đầu của mô hình liên kết trồng chanh leo phục vụ chế biến

Sau hơn 6 tháng xuống giống, mô hình liên kết trồng chanh leo phục vụ chế biến tại thị trấn Yên Cát (Như Xuân) đã thu hoạch vụ đầu tiên, bước đầu chứng minh được hiệu quả kinh tế.

Nông dân thị trấn Yên Cát (Như Xuân) thu hoạch vụ chanh leo đầu tiên.

Thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị cho diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp kém hiệu quả kinh tế, năm 2021, UBND huyện Như Xuân đã thu hút Công ty THHH Xuất nhập khẩu nông sản T9 (gọi tắt là Công ty T9), có trụ sở tại TP Hà Nội đầu tư sản xuất trên địa bàn. Sau thời gian khảo sát điều kiện khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, đầu năm 2022, Công ty T9 đã liên kết với các hộ dân thị trấn Yên Cát chuyển đổi diện tích trồng sắn, trồng keo sang trồng chanh leo, với diện tích tính đến tháng 6-2022 là 11 ha và được trồng theo hướng tập trung. Theo hợp đồng cam kết, công ty sẽ cung ứng vật tư đầu vào và hỗ trợ, giám sát kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân. Hộ dân tham gia mô hình đầu tư 30% chi phí vốn ban đầu, 70% chi phí còn lại sẽ được công ty hỗ trợ trả dần theo từng năm, sau mỗi vụ thu hoạch. Toàn bộ sản phẩm đều được công ty thu mua và giá thu mua được thực hiện theo thị trường, trường hợp giá xuống thấp, công ty sẽ thu mua theo mức giá bảo hiểm là 6.000 đồng/kg, vẫn bảo đảm lợi nhuận cho người sản xuất. Nếu trường hợp không thu mua, Công ty T9 sẽ bồi thường toàn bộ chi phí đầu tư của người dân. Trong trường hợp người dân đã thực hiện trồng, chăm sóc cây chanh leo theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của công ty mà chanh leo không cho thu hoạch, công ty sẽ bồi thường toàn bộ chi phí đầu tư trồng chanh leo cho người dân.

Theo dõi quá trình sinh trưởng thực tế của cây chanh leo, các hộ tham gia mô hình đánh giá, đây là loại cây dễ trồng, phù hợp với vùng đất đồi, nhất là khu vực có độ dốc vừa phải, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Sau hơn 6 tháng đưa vào trồng, mô hình trồng chanh leo cho thu hoạch vụ đầu tiên, năng suất bình quân dự kiến đạt 18 tấn/ha/năm. Với năng suất này, hiện tại 1 ha chanh leo đang đạt doanh thu 240 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận gần 200 triệu đồng/ha/năm.

Chị Lê Thị Nga, thị trấn Yên Cát, cho biết: Đầu năm 2022, gia đình chị chuyển 1 ha trồng sắn sang trồng chanh leo, hiện diện tích này đang cho thu hoạch vụ đầu tiên, với năng suất ước đạt 15 tấn/ha/năm. Thời điểm hiện tại, chanh leo đang được Công ty T9 thu mua với giá cao, nên lợi nhuận đạt khá. Nếu mức giá này được duy trì, thì 1 ha của gia đình chị dự kiến đạt lợi nhuận 170 triệu đồng/năm.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ông Bùi Thiên Trưởng, Giám đốc Công ty T9, cho biết: Qua vụ thu hoạch đầu tiên cho thấy, diện tích chanh leo không những đạt hiệu quả kinh tế cao; quả to, mọng, màu sắc và kích cỡ đồng đều, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Hiện công ty đang phối hợp với UBND huyện Như Xuân và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn để đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu. Công ty dự kiến, từ nay đến cuối năm, sẽ mở rộng thêm 11 ha mỗi tháng, phấn đấu đến hết năm 2022, diện tích chanh leo đạt khoảng 80 đến 100 ha.

Ông Lê Tiến Đạt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Xuân, cho biết: Huyện Như Xuân kỳ vọng đây sẽ là cây trồng mới mở ra cơ hội nâng cao hiệu quả kinh tế cho diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện định hướng đến năm 2025 sẽ mở rộng diện tích trồng chanh leo lên khoảng 1.000 ha.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/hieu-qua-buoc-dau-cua-mo-hinh-lien-ket-trong-chanh-leo-phuc-vu-che-bien/162406.htm