Hiệu quả bước đầu từ sản xuất nông nghiệp thông minh

Tỉnh Thanh Hóa có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để nâng cao giá trị sản xuất và bắt kịp với xu hướng phát triển chung của nông nghiệp cả nước, những năm gần đây một số doanh nghiệp, HTX, đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh đã tiên phong ứng dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiện đại và trí tuệ nhân tạo vào sản xuất. Nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh đã xuất hiện mang lại hiệu quả vượt trội và từng bước nhân rộng trên địa bàn.

Mô hình sản xuất rau thủy canh tại thị trấn Nông Cống (Nông Cống) áp dụng hệ thống, quy trình chăm sóc thông minh.

Nông nghiệp thông minh là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tự động hóa vào quá trình sản xuất. Trong đó, các công đoạn của sản xuất được gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo nhằm tạo ra những sản phẩm an toàn, có chất lượng vượt trội và quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi. Khi tham gia sản xuất nông nghiệp thông minh sẽ giúp tăng khả năng kết nối giữa người sản xuất với thông tin. Qua đó, quản lý sản xuất tốt hơn, giảm bớt sự phức tạp của các thủ tục hành chính nhiều cấp để sử dụng trực tiếp các dịch vụ công của Nhà nước cho nông nghiệp. Cùng với đó, để phát triển nông nghiệp thông minh cần có cách tiếp cận thông minh với thị trường để chủ thể sản xuất chủ động đáp ứng các tiêu chí: Sản xuất cái gì, lúc nào, khối lượng bao nhiêu và bán đi đâu, trên cơ sở khai thác về tài nguyên tự nhiên, khí hậu, con người.

Anh Lê Văn Nhất, xã Định Hòa (Yên Định) có nhiều năm kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi gia cầm. Để duy trì hoạt động của trang trại công suất 6.000 con/lứa, trước đây anh phải thuê 7 lao động. Tuy nhiên, với việc áp dụng hệ thống máng ăn, uống tự động; chăm sóc đàn gà thông qua điện thoại thông minh, gia đình anh đã giảm được 4 lao động. Hiện nay, với 3 lao động thường xuyên đã có thể bảo đảm hoạt động của trang trại. Anh Nhất cho biết: Từ khi tôi thực hiện chuyển đổi lắp đặt hệ thống ăn uống, điều chỉnh nhiệt độ thông qua thiết bị điện thoại thông minh thì việc chăm sóc, vận hành trang trại không mất quá nhiều công sức. Bởi, các phần việc nặng nhọc nhất đã được tự động hóa. Khi thời tiết nắng nóng hay mưa nhiều, thiết bị cảm biến nhiệt độ tự điều chỉnh, điều hòa bảo đảm cho gà sinh trưởng, phát triển ổn định nhất. Bên cạnh đó, việc cho ăn uống cũng đúng định lượng, đúng thời gian. Toàn bộ quy trình sản xuất sẽ được lưu nhật ký để doanh nghiệp thu mua dễ dàng kiểm tra thông tin về sản phẩm. Nhờ đó, chi phí sản xuất giảm 1/3 nhưng chất lượng đàn gà được bảo đảm, việc chứng minh quy trình chăm sóc thuận lợi, dễ dàng hơn.

Mô hình dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho năng suất cao của gia đình anh Lê Văn Long, xã Minh Sơn, Triệu Sơn.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, không ít mô hình vận dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như trong sản xuất thủy canh, sản xuất nhà lưới đang được các doanh nghiệp, chủ cơ sở áp dụng ánh sáng đèn LED để kích thích sự sinh trưởng của cây trồng; tưới nước hoàn toàn bằng hệ thống tự động đã được thiết lập sẵn, thiết bị cảm biến cho biết độ ẩm, lượng nước tưới và thời gian tưới... Nhờ đó, thời gian sản xuất rau thủy canh ngắn hơn sản xuất truyền thống 3 đến 5 ngày, chất lượng sản phẩm ổn định. Tại nhiều trang trại quy mô lớn, các hoạt động cấp dưỡng cho cây trồng, vật nuôi sẽ được lắp đặt thiết bị thông minh và chỉ cần thao tác sẽ đạt đến độ chuẩn cao nhất. Dựa trên các số liệu phân tích qua phần mềm, cho phép truy xuất, theo dõi và quản lý toàn bộ các thông số này theo thời gian thực. Toàn bộ các thông tin được tích hợp trên màn hình theo thời gian, người quản lý sản xuất tại trung tâm điều phối toàn bộ thông tin thực tế và đưa ra dự báo trong sản xuất.

Theo phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp thông minh đã bước đầu được triển khai, áp dụng trong nhiều lĩnh vực. Điển hình như: lắp đặt thiết bị đo mưa tự động để cảnh báo, dự báo thiên tai; quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản; quản lý chăm sóc đàn vật nuôi ở những trang trại quy mô lớn; việc áp dụng máy móc để điều tiết hệ thống chăm sóc, phun tưới tự động trong trồng trọt... Với quy trình sản xuất này, người sản xuất chỉ cần đánh số khoanh vùng đối tượng cần chăm sóc và cập nhật theo dõi qua sổ nhật ký điện tử thì sơ đồ về lượng dinh dưỡng, độ sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi được giám sát. Việc ứng dụng nền sản xuất thông minh không chỉ giúp quản lý hiệu quả mà còn là giải pháp hữu hiệu để các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ các phương tiện đi vào khu vực sản xuất.

Hiện nay, tỉnh đang triển khai xây dựng bản đồ nông hóa bao gồm các chương trình, phần mềm quản trị nhận diện, phân tích và định hướng sản xuất cho nông dân; tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên như nước, phân bón; giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch, bệnh và công tác giống... Đây chính là cách tiếp cận, hướng phát triển của sản xuất nông nghiệp thông minh khi tận dụng trí tuệ nhân tạo trong sử dụng nguồn tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp. Theo đó, tùy vào các điều kiện đặc thù của tự nhiên, việc sử dụng đất phù hợp với từng loại cây trồng và hệ thống cây trồng đã được các địa phương tiến hành rà soát quy hoạch, cơ cấu các loại cây trồng chủ lực, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của các vùng, miền, địa phương, nhu cầu thị trường và điều kiện biến đổi khí hậu.

Bài và ảnh: Thanh Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/hieu-qua-buoc-dau-tu-san-xuat-nong-nghiep-thong-minh/172825.htm