Hiệu quả các hoạt động, mô hình bảo vệ môi trường

ĐTO - Tập trung thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT), giảm thiểu ô nhiễm môi trường (MT), trong đó có MT nông thôn, UBND tỉnh, các sở, ngành, cùng Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, chính quyền địa phương các cấp triển khai, thực hiện các hoạt động, củng cố, phát triển các mô hình. Qua đó, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm MT, ô nhiễm nguồn nước, khuyến khích người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh MT.

Hội viên phụ nữ xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh tham gia mô hình Tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon

Hội viên phụ nữ xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh tham gia mô hình Tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, Tỉnh đoàn tập trung công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về MT. Các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ MT được các đơn vị phối hợp tập trung thực hiện như mở các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề, tọa đàm, chiếu phim. Tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày MT thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn... Hội LHPN tỉnh cùng với các cấp Hội đã triển khai, thực hiện các mô hình bảo vệ MT hiệu quả tại địa phương. Tại huyện Hồng Ngự, Hội LHPN huyện Hồng Ngự gắn nội dung bảo vệ MT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hoạt động. Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động, các gia đình hội viên phụ nữ thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Qua đó, Hội LHPN các cấp trong huyện đã duy trì 106 tổ phụ nữ “5 không 3 sạch”, 1 chi hội “5 không 3 sạch”, tỷ lệ cán bộ, hội viên đăng ký thực hiện cuộc vận động đạt 100%. Trong đó, chú trọng tiêu chí “3 sạch”, tiêu chí “sạch ngõ”, đẩy mạnh các hoạt động vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tiếp tục duy trì ra quân vệ sinh trên đoạn đường “3 sạch”. Thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”; khuyến khích hội viên và Nhân dân hình thành thói quen xách giỏ đi chợ, thay thế túi nilon bằng các loại túi nilon tự phân hủy, túi giấy, báo, lá cây... Các cấp Hội đã thành lập mới 5 mô hình Câu lạc bộ, Tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lon với 110 thành viên.

Đồng thời phối hợp với Phòng TN&MT tổ chức tuyên truyền về bảo vệ MT và hướng dẫn chị em phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình tại 11 điểm, hơn 550 đại diện hộ gia đình tham dự. Trong các buổi sinh hoạt, tuyên truyền, Hội LHPN các cấp trong huyện tặng 330 giỏ xách cho các thành viên Tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon, với tổng kinh phí được hỗ trợ 11 triệu đồng. Hội Nông dân tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện mô hình “Nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch”; mô hình “Thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật”.

Đến tháng 6/2020, Sở TN&MT phối hợp với Hội Nông dân tỉnh đầu tư 13 mô hình điểm “Thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật”, xây dựng các hố rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Hội Nông dân các cấp trong tỉnh hình thành, xây dựng hơn 140 mô hình “Nông dân tự quản thu gom rác thải sinh hoạt” tại khu dân cư ở nông thôn; 21 mô hình “Xử lý nước thải tại hộ gia đình”; 15 mô hình “Hầm khí Biogas”; 139 mô hình “Thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp”. Các mô hình thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi được các sở, ngành, địa phương hỗ trợ, hướng dẫn các hộ chăn nuôi đầu tư xử lý chất thải, áp dụng các biện pháp chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải thành các chất tái sử dụng dùng trong nông nghiệp...

Tại huyện Tháp Mười, để bảo vệ MT đối với các vùng nuôi thủy sản, UBND huyện, Phòng TN&MT, Công an huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp các xã, thị trấn kiểm tra hoạt động bảo vệ MT đối với cơ sở chăn nuôi trên địa bàn. Trong tháng 7/2020, Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện sẽ kiểm tra các cơ sở chăn nuôi theo kế hoạch. Đồng thời hướng dẫn các hộ chăn nuôi từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống xử lý nước thải đảm bảo theo quy định. Qua kiểm tra, tiến hành rà soát các hộ chăn nuôi vi phạm, có biện pháp nhắc nhở, xử lý phù hợp.

Cùng với các mô hình, UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp đầu tư hoạt động thu gom rác thải, chất thải, nước thải. Trong đó, đối với rác thải sinh hoạt, toàn tỉnh được tập trung, thu gom về 22 khu xử lý rác tại các huyện, thị xã, thành phố. Hoạt động xử lý rác tập trung tại các nhà máy xử lý rác cho các huyện: Cao Lãnh, Lấp Vò, Tháp Mười, Hồng Ngự, TP.Cao Lãnh, TX.Hồng Ngự và các huyện lân cận. Tỷ lệ bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 50%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ MT đạt trên 70%.

Đảm bảo công tác bảo vệ MT, Sở TN&MT tiếp tục tập trung, tăng cường công tác tuyên truyền, củng cố, nhân rộng các mô hình kiểu mẫu, mô hình phân loại rác tại nguồn. Phối hợp cùng các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp hỗ trợ xây dựng khu vực lưu chứa thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, hệ thống xử lý chất thải áp dụng công nghệ cao. Tăng cường công tác tham mưu kêu gọi thu hút các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải, chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

C.P.

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/hieu-qua-cac-hoat-dong-mo-hinh-bao-ve-moi-truong-92050.aspx