Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những mô hình mới, cách làm hay được nông dân huyện Tri Tôn triển khai thực hiện trong thời gian qua đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập và đời sống bà con nông dân.

Nhiều mô hình hay

Những năm qua, tình hình sản xuất lúa của bà con nông dân luôn gặp khó khăn về năng suất lẫn giá cả. Có những năm các công ty không mua hết lượng lúa hàng hóa cho nông dân, hoặc có mua thì tiến độ rất chậm; tiểu thương lợi dụng tình hình này thường mua ép giá, làm cho nông dân rơi vào vòng lẩn quẩn “trúng mùa, mất giá”. Ngoài ra, những biến đổi thất thường của thời tiết, kèm theo đó là tình hình sâu hại, dịch bệnh ngày càng tăng cao dẫn đến lợi nhuận của bà con không được đảm bảo…

Từ thực tế trên, năm 2016 - 2017, anh Nguyễn Thành An, ấp Tân Lợi, xã Tân Tuyến (Tri Tôn) đã mạnh dạn chuyển đổi 1,5ha đất trồng lúa sang trồng cây nhãn Ido. Thực hiện mô hình, anh An lên liếp mặt mương 4m, chân bờ 5m, mặt bờ còn lại 4m, cách cây 5m, 1 ha trồng được 210 - 220 cây. Ngoài việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, anh An còn đầu tư hệ thống phun tưới phân, nước tương đối hoàn chỉnh, được tưới bằng Smarphone. Anh An cho biết, nếu chăm sóc tốt sau 2 năm cây nhãn sẽ cho trái chiến, năng suất khoảng 20kg/cây. Đến năm thứ 5, mỗi cây đạt năng suất 80kg - 100kg. Với giá bán dao động khoảng 30.000đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lợi nhuận 380-400 triệu đồng/ha.

Chuyển đổi cây trồng hiệu quả mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân

Bên cạnh các loại cây ăn trái, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Tri Tôn còn tận dụng địa hình đồi núi để phát triển mô hình trồng cây dược liệu, trong đó có cây đinh lăng. Mô hình đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ nông dân. Gia đình ông Nguyễn Văn Song, ngụ ấp An Nhơn, xã Lương Phi có 4 công đất vườn tạp trồng xen canh với 4.000 gốc đinh lăng. Theo ông Song, đinh lăng từ khi trồng đến khi thu hoạch lá và thân khoảng 2 - 3 năm. Hiện, đinh lăng được thu mua với giá 30.000 đồng/kg lá khô. Riêng phần củ (rễ) từ 3 năm trở lên có giá 400.000 đồng/kg. Tổng thu nhập từ dược liệu của gia đình ông Song mỗi năm đạt trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông Song còn tận dụng đất trống làm vườn ươm giống cây đinh lăng bán cho các hộ dân có nhu cầu, thu nhập 2-3 triệu đồng/tháng.

Thấy hiệu quả kinh tế cao của việc trồng cây đinh lăng, Hội Nông dân xã Lương Phi thành lập 2 Tổ hợp tác sản xuất và chế biến cây đinh lăng (Tổ hợp tác sản xuất và chế biến cây đinh lăng Bảy Núi và Tổ hợp tác sản xuất và chế biến cây đinh lăng Núi Dài) với sự tham gia của 27 thành viên, canh tác hơn 9ha. Các thành viên chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cùng hợp tác mua bán giống cây và củ (rễ) cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Một vài hộ trong tổ hợp tác tận dụng thân, lá, củ chế biến rượu đinh lăng bán cho người tiêu dùng địa phương và các xã lân cận.

Hỗ trợ nông dân làm giàu

Theo Hội Nông dân huyện Tri Tôn, hưởng ứng chủ trương chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, nông dân đã mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm và đưa vào sản xuất-kinh doanh các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, góp phần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn như: trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGap, chuối cấy mô, nhãn Ido, cam sành, cây nhàu, rau dưa các loại…

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Trần Văn Mì cho biết, để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các mô hình kinh tế mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các mô hình sản xuất-kinh doanh (SXKD) hiệu quả nhằm làm chuyển biến nhận thức của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân về phát triển kinh tế. Qua đó, giúp hội viên, nông dân thay đổi nếp nghĩ, quyết tâm vượt khó, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư phát triển sản xuất.

Hội Nông dân các cấp huyện Tri Tôn còn đẩy mạnh và đổi mới công tác hỗ trợ nông dân; hướng dẫn phát triển các loại hình và đối tượng SXKD phù hợp với nhu cầu địa phương gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học-công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất. Thúc đẩy liên kết giữa các mô hình; giữa các hộ nông dân để giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm… Ngoài ra, hội còn đẩy mạnh thông tin sản xuất và tìm kiếm thị trường; tăng cường phối hợp và làm cầu nối để các thành phần kinh tế ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản cho các hộ nông dân. Đồng thời, phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, kinh tế gia trại, trang trại, kinh tế hợp tác, phát triển ngành nghề gắn với ứng dụng khoa học-công nghệ… để nâng cao hiệu quả SXKD, giải quyết việc làm cho nông dân, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

ĐỨC TOÀN

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/hieu-qua-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-a254184.html