Hiệu quả cơ giới hóa trong khai thác lò chợ xiên chéo

Trong những năm qua, cơ giới hóa trong khai thác luôn được TKV xác định là giải pháp chiến lược, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành than. Trong đó, việc áp dụng giàn mềm ZRY trong khai thác lò chợ xiên chéo đã cho năng suất lao động cao, tổn thất than giảm đáng kể. Đặc biệt, công tác an toàn và điều kiện làm việc của công nhân khai thác lò chợ được cải thiện rõ rệt.

Hệ thống giàn chống mềm ZRY áp dụng hiệu quả tại Công ty Than Mông Dương. Ảnh: Phạm Tăng

Hệ thống giàn chống mềm ZRY áp dụng hiệu quả tại Công ty Than Mông Dương. Ảnh: Phạm Tăng

Cuối năm 2014, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ (thuộc TKV) đã phối hợp với Công ty Than Hồng Thái nghiên cứu và đưa vào áp dụng thử nghiệm sơ đồ công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo chống giữ bằng giàn chống mềm ZRY.

Tháng 7/2015, 280 giàn mềm ZRY đầu tiên được lắp đặt và vận hành thử nghiệm tại vỉa 9b, khu Tràng Khê II, mỏ than Hồng Thái (nay thuộc Công ty Than Uông Bí), để thay thế cho các vật liệu chống giữ truyền thống là gỗ, thủy lực đơn.

Sau 1 năm áp dụng, sản lượng khai thác bình quân của lò chợ khu Tràng Khê II đạt gần 8.000 tấn/tháng, tăng từ 2-2,5 lần so với trước. Từ hiệu quả thu được, Công ty Than Uông Bí đã nhân rộng hệ thống khai thác này ra một số vỉa có điều kiện địa chất tương tự. Đến nay, công ty đã có 3 lò chợ khai thác bằng giàn mềm ZRY, trở thành đơn vị áp dụng nhiều nhất trong các mỏ hầm lò của TKV.

Đến nay, với nhiều ưu điểm vượt trội, công nghệ này đã và đang được TKV ứng dụng rộng rãi tại nhiều đơn vị. Theo thiết kế, dọc theo chiều dài lò chợ, các bộ giàn được lắp đặt và liên kết với nhau bằng xích, tạo thành hệ thống mềm. Với cấu tạo dạng che chắn, thể tích nhỏ, trọng lượng nhẹ, giàn mềm ZRY có thể tự di chuyển nhờ tải trọng đất đá phía trên giàn. Khi hoàn thành một chu trình khai thác, giàn sẽ tự di chuyển đến vị trí chống giữ mới.

Thực tế cho thấy, các mỏ đang áp dụng hệ thống khai thác bằng giàn mềm ZRY đã thu được năng suất lao động tăng gấp đôi, gấp ba lần so với công nghệ cũ. Sản lượng lò chợ khai thác bằng giàn mềm ZRY đạt từ 90.000-120.000 tấn than/năm; chi phí mét lò chuẩn bị cũng giảm từ 2-8,5 lần; khả năng thu hồi than lên tới hơn 90%...

Không chỉ thế, một trong những đặc điểm nổi trội nhất của giàn mềm ZRY là khả năng đảm bảo an toàn khi diện tích che chắn đạt trên 95%, giúp đất đá không lọt xuống không gian làm việc phía dưới của người thợ. Hơn nữa, đây là công nghệ có quy trình khai thác đơn giản, dễ nắm bắt, lò chợ được thông gió theo mạng gió chung nên điều kiện làm việc của công nhân trong lò chợ được cải thiện. Thiết bị của lò chợ không nhiều, cấu tạo đơn giản, do đó các sự cố gặp trong quá trình sản xuất đều được khắc phục nhanh chóng, đảm bảo công tác khai thác ổn định và liên tục.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 6 công ty than hầm lò triển khai áp dụng công nghệ khai thác sử dụng giàn mềm ZRY là: Uông Bí, Mông Dương, Nam Mẫu, Quang Hanh, Vàng Danh, Hạ Long; Công ty Hòn Gai và Công ty Dương Huy đang tiến hành triển khai lập dự án khả thi áp dụng công nghệ này.

Để chủ động về nguồn cung cấp thiết bị, tăng cường khả năng nội địa hóa và nâng cao năng lực của ngành cơ khí mỏ, TKV đã chỉ đạo các đơn vị cơ khí khẩn trương phối hợp, chế tạo thiết bị giàn chống có đặc tính tương đương với giàn mềm ZRY của Trung Quốc, với tỷ lệ nội địa hóa lên tới 95%. Hiện, Công ty Cổ phần Cơ khí Mạo Khê - Vinacomin đã chế tạo thành công 625 bộ giàn chống mềm mang hiệu GM 20/30.

Thời gian tới, công ty tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất giàn mềm ZRY để hướng tới mục tiêu xây dựng mỏ hiện đại, ít người, năng suất cao, góp phần đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành than.

Trọng Tài

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/hieu-qua-co-gioi-hoa-trong-khai-thac-lo-cho-xien-cheo_t114c7n156865