Hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa tra tấn và những khó khăn khi thực thi Công ước

Việt Nam luôn cam kết ngăn ngừa và trừng trị mọi vi phạm liên quan đến tra tấn, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước chống tra tấn, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của Việt Nam.

Điều này được thể hiện rõ ngay khi chưa tham gia Công ước, Việt Nam đã coi trọng và bảo vệ các giá trị về quyền con người thông qua việc ban hành chính sách, pháp luật và triển khai thực hiện trên thực tế. Việc tham gia Công ước là một trong những bước tiến quan trọng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp nối quá trình xây dựng, hoàn thiện các chế độ, chính sách và thực hiện bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền không bị tra tấn và là một cơ hội để các cơ quan có thẩm quyền triển khai một cách đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, đấu tranh chống hành vi tra tấn xảy ra trên lãnh thổ quốc gia.

Tính hiệu quả của các biện pháp này có thể được ghi nhận như, ngay từ khi nghiên cứu tham gia Công ước, Ban soạn thảo Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng Hình sự, Luật Thi hành tam giữ, tạm giam… đã tổ chức nghiên cứu và đề xuất việc nội luật hóa các yêu cầu của Công ước và đã được thể hiện trong quy định của các luật được ban hành năm 2015. Như vậy, Việt Nam đã nội luật hóa các quy định của Công ước ngay trong năm đầu tiên trở thành thành viên Công ước.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của Công ước và các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan trên quy mô toàn quốc. Các ngành, các cấp khác nhau từ Trung ương đến địa phương đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Công ước. Ở Việt Nam, tội phạm có tính chất tra tấn không phải là tội phạm phổ biến, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số các tội phạm.

Từ năm 2011 đến 2015, TAND đã thụ lý và xét xử sơ thẩm 10 vụ án về tội dùng nhục hình, không có vụ án nào về tội bức cung và tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, cụ thể là: Năm 2010 và 2011 là 0 vụ; năm 2012 là 4 vụ, chiếm 0,0061% tổng số vụ được xét xử sơ thẩm; năm 2013 là 1 vụ, chiếm 0,003% số vụ được xét xử sơ thẩm; năm 2014 là 3 vụ, chiếm 0,0045% tổng số vụ án được xét xử sơ thẩm; năm 2015 là 2 vụ, chiếm 0,0033% tổng số vụ án được xét xử sơ thẩm.

Có thể thấy những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong thời gian xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người cùng với tình hình chính trị ổn định và những chính sách, định hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp là tiền đề và thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình triển khai, thực thi Công ước. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đã thực hiện và những thành tựu đã đạt được, Việt Nam còn một số khó khăn cần khắc phục để việc thực thi có hiệu quả Công ước trong thời gian tới.

Đầu tiên là hệ thống văn bản pháp luật về quyền con người cần có thêm sự đồng bộ. Điều này sẽ giúp cho việc thực thi công ước phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và ngược lại. Ngoài ra về một khó khăn khác chính là nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khác biệt giữa các vùng, miền còn hạn chế.

Công ước chống tra tấn là công ước về quyền con người có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, có nhiều nội dung khó, phức tạp. Vì vậy, việc triển khai Công ước phải tiến hành theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của Việt Nam. Việc phổ biến, tuyên truyền Công ước đến toàn thể cán bộ, nhân dân cũng phải được thực hiện thường xuyên, liên tục theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu. Đối với các cán bộ công chức thì phải thường xuyên hướng dẫn, bồi dưỡng pháp luật và nghiệp vụ để nâng cao năng lực và trình độ cho họ để tránh việc lạm quyền có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, trình độ pháp luật, nghiệp vụ của nhân viên công vụ chưa đồng đều nên họ có thể hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về các nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân. Vì vậy, việc cá nhân lạm quyền trong khi thực thi công vụ vẫn có thể xảy ra. Điều này cũng gây khó khăn nhất định cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý và đào tạo cán bộ. Ngoài ra, ở một số địa phương, đời sống kinh tế và trình độ dân trí của người dân chưa cao hoặc những vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống thì việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của Công ước và pháp luật Việt Nam có liên quan còn gặp nhiều khó khăn do có sự khác biệt về phong tục, văn hóa, vấn đề chuyển tải tinh thần của pháp luật sang các ngôn ngữ của dân tộc thiểu số…

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hieu-qua-cua-cac-bien-phap-phong-ngua-tra-tan-va-nhung-kho-khan-khi-thuc-thi-cong-uoc-159210.html