Hiệu quả của các cửa hàng tiện ích ở khu vực nông thôn

Những năm gần đây, các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hiện đại phát triển ngày càng nhiều ở vùng nông thôn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân. Điều này không chỉ đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ mà còn góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao ở nhiều địa phương.

Các sản phẩm được bày bán đa dạng tại cửa hàng tiện lợi MiniMart Tuấn Nhung, xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa).

Tuy khai trương chưa lâu nhưng cửa hàng tiện lợi MiniMart Tuấn Nhung ở xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa) đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều người dân quanh đây bởi sự hiện đại, tiện ích và sản phẩm đa dạng, chất lượng. Mô hình cửa hàng tiện lợi của MiniMart được cho có nhiều lợi thế hơn hẳn những cửa hàng khác, bởi thanh toán nhanh, hàng hóa đa dạng, không gian mua sắm hiện đại, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt... Trong đó, nổi trội hơn cả là việc minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, giá thành sản phẩm ổn định nên cửa hàng tiện lợi MiniMart Tuấn Nhung đã thu hút được một lượng khách hàng lớn, góp phần không nhỏ trong phát triển thương mại, đồng thời hình thành thói quen mua sắm hiện đại cho người dân tại địa phương.

Chị Vũ Thu Thủy, khách hàng thường xuyên của cửa hàng chia sẻ: “Ngày trước trong vùng không có cửa hàng tiện lợi nào, muốn đi mua sắm chúng tôi thường phải di chuyển xa nên nhiều lúc cũng ngại, chủ yếu tranh thủ cuối tuần cả nhà vừa đi chơi vừa đi mua sắm luôn. Giờ chỉ cách nhà có mấy trăm mét đã có cửa hàng tiện lợi nên rất thuận tiện trong việc mua sắm".

Hiện nay, mô hình hoạt động của các siêu thị mini hay các cửa hàng tiện lợi hiện đại đang có “sức hút” nhất định ở nông thôn. Tại nhiều trung tâm xã, thị trấn ở các huyện đều đã có sự xuất hiện của những siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi mang tính chuyên nghiệp, thu hút nhiều khách hàng tới mua sắm. Nhiều người dân không chỉ đơn thuần muốn mua sản phẩm hàng hóa về sử dụng mà việc trải nghiệm trong quá trình mua sắm cũng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tiêu dùng của người dân. Sự xuất hiện của các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi được đầu tư, trang bị hiện đại đã mang một “luồng gió mới” trong phát triển thương mại dịch vụ ở nhiều địa phương.

Điểm nhấn của các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hiện đại là được các đơn vị, cá nhân chú trọng đầu tư, trang bị về không gian và nhiều tiện ích trong mua sắm như máy tính tiền, máy quẹt thẻ thanh toán, hệ thống phần mềm trong quản lý và bán hàng, niêm yết giá rõ ràng, hàng hóa sắp xếp đẹp mắt, nhiều sản phẩm phân khúc dành cho khách hàng cao cấp, có nhân viên tư vấn chuyên nghiệp... Với những ưu thế trên, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, nhất là những người tiêu dùng khó tính, yêu cầu cao.

Hơn 2 năm trước, nhận thấy trên địa bàn xã có nhiều công nhân, lao động, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng lớn nên chị Nguyễn Thị Nụ ở xã Thiệu Công (Thiệu Hóa) đã quyết định mở cửa hàng tiện lợi mang tên Linh Nụ Mart. Các mặt hàng tại cửa hàng được phân loại, chia thành từng dãy gồm đồ khô, bánh kẹo, đồ uống, sữa, để khách hàng dễ lựa chọn. Việc bố trí, sắp xếp, phân loại các mặt hàng thành từng nhóm không chỉ tạo ra sự tiện lợi cho khách hàng, mà cũng giúp chị dễ dàng kiểm soát lượng hàng đang có trên kệ, trong kho. Đặc biệt, chị không cần phải ghi nhớ giá cả của từng loại hàng hóa, làm các phép tính thu chi một cách thủ công như khi mở cửa hàng tạp hóa truyền thống do sử dụng phần mềm bán hàng.

“Việc mở một cửa hàng tiện lợi hiện đại vốn đầu tư sẽ lớn hơn mở một cửa hàng tạp hóa thông thường rất nhiều nhưng bù lại sẽ có tính chuyên nghiệp và phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh việc tìm các nhà cung cấp sản phẩm uy tín, chất lượng thì phải có hệ thống quản lý sản phẩm và thanh toán bằng phần mềm. Hàng hóa được niêm yết giá và quản lý, kiểm soát chặt chẽ về hạn sử dụng và hóa đơn. Ngoài ra, hàng hóa được tôi sắp xếp theo từng nhóm sản phẩm giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn, đồng thời trang bị hệ thống camera giám sát để kiểm soát quá trình mua sắm của khách hàng cũng như quản lý chặt chẽ hơn trong công việc”, chị Nụ chia sẻ.

Theo thống kê từ Sở Công Thương, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 500 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Với sự đa dạng về mô hình hàng hóa, chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, các cửa hàng tiện ích đang hoạt động khá hiệu quả. Hơn nữa, ưu thế của mô hình này là chi phí thấp khi chỉ cần một không gian khoảng 100m2, từ 2 - 3 nhân viên, nên giá hàng hóa tại cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini sẽ hấp dẫn, cạnh tranh hơn siêu thị. Ngoài ra, các cửa hàng tiện lợi thường hoạt động với thời gian khá nhiều trong ngày cũng là một trong những lợi thế khi người dân có thể mua hàng bất cứ lúc nào khi cần thiết.

Trong khi thu nhập của người dân và nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao thì không chỉ khu vực thành thị mà nông thôn cũng là “mảnh đất” tiềm năng cho mô hình siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi phát triển.

Bài và ảnh: Chi Phạm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/hieu-qua-cua-cac-cua-hang-tien-ich-o-khu-vuc-nong-thon/184764.htm