Hiệu quả của quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Việc triển khai thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã mang lại hiệu quả tích cực, thúc đẩy các hoạt động quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước hợp lý.

Việt Nam đang đối mặt với tình trạng “thiếu nước”

Tài nguyên nước là tài nguyên vô cùng thiết yếu cho đời sống của con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Con người chúng ta tồn tại không thể thiếu nước, nước gắn chặt với sự tồn tại và phát triển của con người.

Tuy tài nguyên nước có đặc điểm là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo nhưng lại không phải là vô hạn. Nguồn tài nguyên này đang đứng trước những thách thức của việc gia tăng nhu cầu sử dụng dẫn đến khai thác quá mức gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

Mặc dù là một quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc, tuy nhiên Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia “thiếu nước” do lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840 m3, thấp hơn chỉ tiêu 4.000 m3/người của Hội Tài nguyên Nước quốc tế (IWRA).

Theo thống kê của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế, Việt Nam hiện có trên 17,2 triệu người đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý. Hiện nay, tuy tài nguyên nước bề mặt của nước ta tương đối dồi dào, nhưng đó không phải là nước sạch để dùng cho ăn uống, sinh hoạt vì nước sông, suối, ao hồ đều đang bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau.

Nước ngầm nhiều nơi hiện nay cũng đang trở nên ô nhiễm và thiếu do bị khai thác quá mức. Nước mưa cũng có nguy cơ bị ô nhiễm do một số nguyên nhân như không khí ô nhiễm, dụng cụ để thu hứng để lấy nước mưa không đảm bảo vệ sinh.

Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ. Các nước đã xây dựng nhiều hồ chứa theo bậc thang thủy điện để tích nước, trong khi cơ chế, chính sách hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa thực sự hiệu quả. Nguồn nước về đến nước ta giảm dần và phụ thuộc vào điều tiết của các quốc gia phía thượng nguồn.

Các chuyên gia trong lĩnh vực Tài nguyên nước cho rằng, tuy có đặc điểm là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, nhưng tài nguyên nước lại không phải là vô hạn, trong khi nhu cầu sử dụng nước ngày càng lớn. Điều đó đặt ra yêu cầu mới về chia sẻ nguồn nước. Cần áp dụng chế độ thu tiền khi nhà nước trao quyền sử dụng tài sản của mình cho tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm sự công bằng và phù hợp với việc quản lý tài nguyên nước như một loại tài sản của Nhà nước.

Vì vậy, quan điểm nước là tài sản, là nguồn lực quan trọng của mỗi quốc gia và phải được khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đang trở nên phổ biến trên thế giới. Việc coi tài nguyên nước là tài sản, là nguồn lực của Quốc gia cũng đã được Việt Nam thể chế hóa trong Hiến pháp và Luật tài nguyên nước.

Tăng cường quản lý tài nguyên nước

Bắt đầu từ ngày 1/9/2017, các tổ chức và cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và nước dưới đất đã phải nộp tiền để được cấp quyền khai thác tài nguyên nước, theo Nghị định 82/2017/NĐ-CP. Đây là một cơ chế mới trong quản lý khai thác tài nguyên nước, nhằm đảm bảo công bằng, hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước của Việt Nam.

Theo Cục quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tính đến ngày 15/12/2017, đã có 13 tỉnh thực hiện phê duyệt tiền cấp quyền tính tiền khai thác tài nguyên nước (Thái Bình, Ninh Bình, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kum Tum, Đồng Tháp, Kiên Giang) đối với tổng số 801 chủ giấy phép.

Quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của Luật Tài nguyên nước được xây dựng với chủ trương cụ thể hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản của Nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, người khai thác, sử dụng tài sản của Nhà nước cần phải nộp tiền để bảo đảm công bằng trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước và nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn nước.

Như vậy, quyền khai thác tài nguyên nước được định giá bằng tiền và được coi như là quyền tài sản. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khác với thuế tài nguyên nước, phí và lệ phí cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đó là khoản thu của chủ sở hữu khi cho các chủ thể khác sử dụng tài sản của mình thương tự như khoáng sản, đất đai.

Việc triển khai thực hiện việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm thúc đẩy ý thức và tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn. Đẩy mạnh việc thực thi các chính sách ưu đãi đối với các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, trong đó bao gồm cả việc ưu đãi đối với việc đầu tư chiều sâu để tái sử dụng nước thải, sử dụng nước tuần hoàn.

Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước rất thấp chỉ từ 1% đến 2% (Điều 5 Nghị định số 82/2017/NĐ-CP) và chỉ thu đối với một số mục đích sử dụng nước có lợi thế hơn như kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp… (Điều 3 Nghị định số 82/2017/NĐ-CP).

Thời gian qua, ngành thuế và ngành tài nguyên môi trường đã thường xuyên phối hợp nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác và thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp. Nhiều tỉnh, thành phố đã tiến hành triển khai thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước như: Sơn La, Ninh Thuận, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đà Nẵng... và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Phương Thu

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/hieu-qua-cua-quy-dinh-thu-tien-cap-quyen-khai-thac-tai-nguyen-nuoc-d2056010.html