Hiệu quả dự án chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở

Để hạn chế tình trạng sạt lở (SL) bờ sông Hậu (thuộc xã Châu Phong, TX. Tân Châu), bảo vệ 428 nhà dân trong khu vực nguy hiểm và đường lộ Long An - Châu Phong, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) triển khai dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế SL theo hình thức xã hội hóa.

Đối phó sạt lở nghiêm trọng

Giám đốc Sở TN&MT Trần Đặng Đức cho biết: “Trước đây, tình hình SL đường bờ xã Châu Phong rất nghiêm trọng, dài khoảng 9km. Nghiêm trọng nhất tại khu vực ấp Vĩnh Lợi 2, dài khoảng 2km, tốc độ SL sâu vào bờ trung bình 10-25m/năm. Tình trạng SL đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, 70 nhà dân buộc phải di dời đến nơi an toàn. Hiện nay, vẫn còn 428 nhà dân nằm trong khu vực nguy hiểm. Nếu không có giải pháp hạn chế SL, có khả năng hàng trăm hộ này phải di dời, đặc biệt SL sẽ cắt đứt đường giao thông liên xã Long An - Châu Phong, tuyến đê bảo vệ 3.400ha đất sản xuất lúa vụ 3 của vùng Bắc Vĩnh An”. Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong Nguyễn Trung Giang cho biết: “590 hộ dân của 5 ấp trong khu vực có nguy cơ SL phải di dời. Năm 2017, xảy ra 3 vụ SL nghiêm trọng, di dời khẩn cấp 34 căn nhà. Nếu tiếp tục SL, buộc phải di dời 590 hộ dân, nhưng chưa có khu dân cư để bố trí hộ dân vào ở”.

Sạt lở nghiêm trọng bờ Châu Phong trước khi thực hiện dự án

Dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế SL đoạn sông Hậu được thực hiện tại xã Châu Phong và xã Vĩnh Trường, Đa Phước (An Phú), diện tích nạo vét, thu hồi khoáng sản: 28,76ha (cách đường bờ xã Vĩnh Trường và Đa Phước 60-80m, cách đường bờ xã Châu Phong 60-100m). Khối lượng cát thu hồi 700.000m3, thực hiện trong 2 năm. Ông Đức cho biết: “Dự án được điều tra, khảo sát địa hình, nghiên cứu chi tiết chế độ thủy động lực học trên toàn tuyến từ ngã ba kênh Xáng Tân An đến ngã ba sông Châu Đốc (khoảng 7.000m). Qua đó ghi nhận trên tuyến có khúc sông cong dài 1.400m, rộng 360m, xuất hiện lạch sâu 12-13m, cá biệt hơn 14m và lệch hẳn về phía bờ xã Châu Phong (cách bờ 40 - 80m), dòng chảy chính áp bờ (cách bờ 30m có độ sâu hơn 9m) gây SL thời gian qua; bờ đối diện đang bồi lắng mạnh, cách bờ 100m có độ sâu 6-7m”.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam là đơn vị tư vấn, đủ điều kiện năng lực thực hiện nghiên cứu, khảo sát và tính toán mô hình thủy lực để xác định diện tích, độ sâu, ranh giới… theo mục tiêu dự án đề ra. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá, xác định mục tiêu là nạo vét khu vực bồi lắng (phía bờ huyện An Phú) tại khúc sông cong để mở rộng mặt cắt ướt, tạo cân bằng cho địa hình đáy sông, hướng dòng chảy chính ra giữa dòng nhằm hạn chế SL đường bờ xã Châu Phong.

Sau khi thực hiện dự án chỉnh trị dòng chảy, người dân rất phấn khởi vì không còn bị sạt lở mất đất, dời nhà

Dự án hiệu quả cao

Ông Trần Tuấn Vũ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khoáng sản Minh Thư (đơn vị thực hiện) cho biết: “Công ty thực hiện dự án này không vì mục đích lợi nhuận mà hơn hết là vì mục đích xã hội. Bởi nơi đây là cát pha bùn, không phải loại cát vàng, cát tốt trong xây dựng. Trước khi triển khai dự án, một số bà con xã Vĩnh Trường chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa của việc chỉnh trị dòng chảy, không đồng tình nhưng qua giải thích, tuyên truyền, bà con đã đồng thuận. Đến nay, khối lượng nạo vét được 123.540m3 cho thấy hiệu quả rất tốt, nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân sống trong khu vực SL xã Châu Phong”.

Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT) Hồ Văn Quí khẳng định: “Do dự án mới đi vào hoạt động nên chưa đánh giá hiệu quả về mặt khoa học. Tuy nhiên, qua thực hiện dự án, khối lượng nạo vét khoảng 18% so tổng khối lượng được cấp phép, theo quan sát có thể nhận định tình hình SL bờ xã Châu Phong đã giảm so với các năm trước. Trước đây, đường bờ xã Châu Phong liên tục xảy ra SL nghiêm trọng, nhất là các năm lũ lớn. Đầu năm 2018 đến nay, đoạn bờ xã Châu Phong chỉ xảy ra 1 vụ SL nhẹ, dài 8m tại ấp Vĩnh Lợi 2 (ngày 13-8), cách khu vực dự án nạo vét khoảng 3km về phía hạ nguồn. Mực nước lũ năm 2018 tương đối lớn, nhưng với diễn biến SL như trên có thể thấy mức độ SL giảm so với các năm trước khi triển khai dự án. Người dân sống trong khu vực SL xã Châu Phong thấy được kết quả nên bày tỏ sự đồng thuận rất cao”.

Đường giao thông huyết mạch xã Châu Phong không bị cắt đứt, bảo vệ 3.400ha sản xuất lúa vụ 3

Ông Dương Văn Bạ (ngụ ấp Vĩnh Lợi 2, xã Châu Phong) chia sẻ với chúng tôi trong niềm phấn khởi: “Hơn 50 năm sống ở đây, tôi rất sợ hãi mỗi khi chứng kiến cảnh SL, đã mất hơn 4 công đất, còn căn nhà phải di dời 3-4 lần. Xót của, bất an nhưng không còn cách nào để giữ đất. Tuy còn đang thực hiện dự án chỉnh trị dòng chảy nhưng đã thấy được hiệu quả. Dòng nước cuộn chảy ra giữa sông, không còn xoáy quặn vào bờ như trước đây. Năm nay dù trong đỉnh lũ, mực nước lên cao nhưng không SL như trước, chúng tôi rất phấn khởi vì không bị mất đất”. Ông Phan Văn Lòng (ngụ cùng ấp Vĩnh Lợi 2) chia sẻ: “Vui mừng lắm, vì không còn sống trong cảnh “nơm nớp” lo sợ, không phải di dời nhà, yên tâm sản xuất. Nhờ chỉnh trị dòng chảy, mấy tháng nay không thấy SL nữa”. Bí thư, Chủ tịch UBND xã Châu Phong Khương Hữu Lợi ghi nhận: “Vào thời điểm này những năm trước, SL rất nghiêm trọng, nay tình hình đã ổn định hơn. Dự án đã phát huy hiệu quả, giúp hạn chế được tình trạng SL và ổn định cuộc sống của người dân. Đặc biệt, đường giao thông huyết mạch của xã không bị cắt đứt, mà còn bảo vệ 3.400ha lúa vụ 3 ăn chắc”.

Để hạn chế SL và bảo vệ đồng bộ TP. Long Xuyên, tỉnh đã lập dự án “Chỉnh trị dòng chảy nhằm hạn chế SL bờ sông Hậu, bảo vệ đô thị TP. Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu”. Theo đánh giá của Bộ TN&MT, sau khi triển khai nạo vét nhánh trái sông Hậu, cùng với thực hiện các tiểu dự án kè sẽ chặn đứng tình hình SL bên bờ TP. Long Xuyên, theo cảnh báo hàng năm, đoạn này đặc biệt nguy hiểm, nếu không được nạo vét.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/hieu-qua-du-an-chinh-tri-dong-chay-han-che-sat-lo-a232821.html