Hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện nhà nước và tư nhân?

Hiện nay, ngoài thư viện của 63 tỉnh, thành phố, cả nước có hơn 580 thư viện cấp quận, huyện, hơn 6.000 thư viện, phòng đọc sách ở các xã, phường, thôn, xóm… Trước tác động mạnh mẽ của khoa học, công nghệ điện tử, các địa phương đã đổi mới cách thức hoạt động hệ thống thư viện công cộng cũng như thư viện tư nhân nhằm duy trì, thúc đẩy văn hóa đọc, bước đầu mang lại hiệu quả nhất định, song cũng còn không ít khó khăn, bất cập nếu không có cơ chế, chính sách phù hợp. Phản ánh của phóng viên THQHVN tại thành phố Hà Nội, nơi có số lượng thư viện công cộng và thư viện tư nhân lớn nhất cả nước.

Xấp xỉ tuổi 80, trừ những ngày đau ốm, nhiều năm nay, hôm nào ông Lân ở quận Đống Đa cũng có mặt tại Thư viện Hà Nội tìm đọc những thông tin cần thiết trên các loại sách, báo...

Sau khi Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 07/2023 về việc miễn phí sử dụng thư viện tại các thư viện công lập trên địa bàn, số lượng bạn đọc đến Thư viện Hà Nội tăng đáng kể. Theo thống kê của Thư viện Hà Nội, riêng năm 2023 đã phục vụ gần 2.728.000 lượt bạn đọc; 6.228.000 lượt tài liệu; cấp đổi hơn 26.200 thẻ. Trong quí 1 năm 2024 đã phục vụ gần 846 nghìn lượt bạn đọc, cấp mới và đổi hơn 5.700 thẻ thư viện, tăng gần 230% so với cùng kỳ năm 2023.

Không chỉ thư viện Hà Nội, hệ thống thư viện các quận, huyện cũng nhanh chóng đổi mới phương thức hoạt động. Đơn cử như Thư viện quận Tây Hồ hiện có hơn 26 nghìn đầu sách, do bạn đọc đến thư viện không nhiều, trong khi đó số lượng người đến mượn sách mang về ngày càng tăng, nên đơn vị phải luân chuyển sách về các khu dân cư, trường học, đồng thời áp dụng chuyển đổi số để người dân và học sinh tiếp cận dễ dàng hơn. Cách làm này cũng chỉ mang lại hiệu quả đối với các trường học, còn các xã, phường vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa có cán bộ chuyên trách.

Bên cạnh các thư viện công cộng, nhiều mô hình thư viện, phòng đọc sách tư nhân phục vụ cộng đồng cũng đã hình thành, nỗ lực duy trì hoạt động. Điển hình là thư viện Dương Liễu, huyện Hoài Đức và thư viện Mạnh An, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân và học sinh trên địa bàn. Tuy nhiên, để hoàn thiện đầy đủ các tiêu chí là vấn đề còn nan giải, bởi để được cấp phép hoạt động, chủ thư viện tư nhân phải có bằng cấp chuyên ngành về thư viện, có hộ khẩu, có đất được cấp sổ đỏ, có cơ sở hạ tầng..vv.

Hà Nội hiện có gần 30 thư viện cấp huyện; 54 thư viện cấp xã, phường; hơn 1.000 thư viện, phòng đọc tại các trường học, thôn, tổ dân phố. Ngoài ra còn có 15 thư viện tư nhân. Để hệ thống thư viện công cộng và thư viện tư nhân là những mắt xích cung cấp thông tin, tri thức đến người dân, thành phố Hà Nội cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, xây dựng một xã hội học tập tốt hơn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Quốc Hưng - Sỹ Cường

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/hieu-qua-hoat-dong-cua-he-thong-thu-vien-nha-nuoc-va-tu-nhan-221629.htm