Hiệu quả hoạt động triển khai quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường tại trạm y tế xã

Bắt đầu triển khai thí điểm tại huyện Cam Lộ từ năm 2019 và đồng loạt triển khai trong toàn tỉnh từ năm 2020, đến nay, hoạt động quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm nói chung và đái tháo đường nói riêng tại tuyến y tế cơ sở do ngành Y tế Quảng Trị thực hiện theo nguyên lí y học gia đình đã phát huy hiệu quả.

Lấy máu mao mạch xét nghiệm đái tháo đường cho các đối tượng nguy cơ cao -Ảnh: P.T

Khoảng 4 năm trở lại đây, việc được khám sàng lọc để phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh đái tháo đường nói riêng thuận tiện hơn nhiều cho người dân ở xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh khi trạm y tế địa phương đã triển khai hoạt động quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường.

Tính đến thời điểm này, Trạm y tế xã Hiền Thành đang quản lý, điều trị 98 trường hợp mắc đái tháo đường và hơn 100 trường hợp tiền đái tháo đường trên địa bàn xã. Ngoài nỗ lực thực hiện việc sàng lọc miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân từ 40 tuổi trở lên, Trạm y tế xã Hiền Thành thường xuyên phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức các buổi truyền thông về phòng chống các bệnh không lây nhiễm, trong đó có đái tháo đường, đồng thời tăng cường lồng ghép hoạt động tư vấn, tuyên truyền về căn bệnh này trong công tác chuyên môn để người dân biết cách chủ động bảo vệ sức khỏe.

“Nhờ tham gia các buổi truyền thông tổ chức tại trạm y tế cũng như các buổi sinh hoạt câu lạc bộ người cao tuổi tại địa phương có sự tham gia của cán bộ y tế, tôi hiểu được sự nguy hiểm của bệnh đái tháo đường đối với sức khỏe. Để phòng bệnh, tôi thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế là hạn chế ăn tinh bột, đồ ngọt, ăn nhiều rau trái và siêng năng vận động, tập thể dục phù hợp với độ tuổi của mình”, bà Nguyễn Thị Đông ở thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, chia sẻ.

Công tác quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh đái tháo đường nói riêng tại y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình được triển khai với các hoạt động chính là phát hiện sớm người mắc bệnh đái tháo đường; xét nghiệm đường máu mao mạch cho các đối tượng có nguy cơ cao; tư vấn và lập danh sách quản lý các trường hợp mắc tiền đái tháo đường; chuyển tuyến trên chẩn đoán xác định các trường hợp nghi ngờ; điều trị, quản lý đái tháo đường đối với các trường hợp được tuyến trên chuyển về; xử trí và chuyển người bệnh đái tháo đường lên tuyến trên khi vượt quá khả năng chuyên môn của trạm y tế.

Có thể nói, những hoạt động trên đã góp phần giảm tải cho tuyến trên, giúp người bệnh thuận tiện tiếp cận dịch vụ ngay tại địa phương, được theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên và được điều trị tại chỗ. “Sau thời gian trạm y tế xã được tiếp nhận hoạt động quản lý, điều trị các bệnh đái tháo đường, ý thức của người dân về căn bệnh này được nâng cao, người dân quan tâm hơn đến việc phòng bệnh và biết chủ động thay đổi hành vi để bảo vệ sức khỏe.

Với hoạt động này, người bệnh đái tháo đường được quản lý trên hệ thống phần mềm bệnh mạn tính không lây nhiễm, được nhận thuốc điều trị hàng tháng tại trạm, được tư vấn về sử dụng thuốc, chế độ ăn uống, luyện tập nâng cao thể trạng để kiểm soát ổn định đường huyết và phòng các biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường nên rất thuận tiện.

Bên cạnh đó, trạm thường xuyên nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị y tế tuyến trên, nhất là từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong việc tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn, khám sàng lọc về bệnh đái tháo đường cho người dân trong xã nhằm phát hiện hiện số người mắc mới bệnh để đưa vào quản lý, điều trị”, bác sĩ Lê Đức Khiên, Trạm trưởng Trạm y tế xã Hiền Thành cho hay.

Được sự hỗ trợ từ Tổ chức Y tế thế giới và Cục Y tế dự phòng về phần mềm quản lý bệnh không lây nhiễm nên hoạt động quản lý điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường ở tuyến cơ sở diễn ra thuận lợi. Đến nay, hoạt động này đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

“Từ hoạt động này, người dân từ 40 tuổi trở lên tại các địa phương được đo huyết áp và đánh giá nguy cơ đái tháo đường miễn phí ngay tại trạm y tế xã thông qua các đợt khám sàng lọc để từ đó đưa vào quản lý, điều trị sớm. 100% trạm y tế được đào tạo về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo các hướng dẫn mới nhất về điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở. 100% trạm y tế (các trạm y tế có đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế) thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý tăng huyết áp theo nguyên lý y học gia đình, 22/125 xã, phường, thị trấn thực hiện điều trị, quản lý bệnh đái tháo đường tại trạm y tế; 100% cán bộ chuyên trách hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm được đào tạo tập huấn và ứng dụng trong chuyên môn đạt hiệu quả cao”, bác sĩ CKI. Đỗ Thị Ý Nhi - cán bộ chuyên trách hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị cho biết.

Dự kiến thời gian tới, ngành Y tế Quảng Trị sẽ tiến hành rà soát lại các văn bản, điều kiện để tiến tới triển khai đạt chỉ tiêu 95% trạm y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngay từ tuyến y tế cơ sở.

Phương Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/hieu-qua-hoat-dong-trien-khai-quan-ly-dieu-tri-benh-dai-thao-duong-tai-tram-y-te-xa/181105.htm