Hiệu quả kinh tế từ cây mơ vàng

Những năm gần đây, Bắc Cạn từng bước khôi phục, cải tạo diện tích mơ vàng bản địa già cỗi. Diện tích tăng thêm cho năng suất cao, mơ bán được giá và thị trường tiêu thụ ổn định đã giúp nhiều hộ dân có nguồn thu nhập khá, ổn định cuộc sống.

Thu hái mơ ở tổ Bản Rạo, phường Xuất Hóa, TP Bắc Cạn (tỉnh Bắc Cạn).

Thu hái mơ ở tổ Bản Rạo, phường Xuất Hóa, TP Bắc Cạn (tỉnh Bắc Cạn).

Gia đình ông Nguyễn Văn Luyến, thôn Bản Đán, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông có 2 ha mơ, vụ năm nay thu hoạch được năm tấn quả. Với giá bán từ 14 đến 15 nghìn đồng/kg, gia đình ông thu về hơn 60 triệu đồng. Theo ông Luyến, cây mơ phát triển rất tốt, khả năng chống chịu thời tiết, sâu bệnh cao lại không mất nhiều công chăm sóc. Thấy hiệu quả, người dân xã Đôn Phong duy trì, phát triển được 30 ha cây mơ. Năm 2019, người dân đăng ký trồng mới thêm gần 16 ha ở các thôn, như: Bản Đán, Bản Chiêng, Vằng Bó, Nà Váng, Nà Đán… Hiện, xã phối hợp Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), thực hiện dự án “Ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mơ vàng Bạch Thông giai đoạn 2017-2020”. Các hộ được hướng dẫn cách đốn tỉa, chăm sóc, bón phân giúp cây cho quả to đều, năng suất cao hơn.

Cây mơ được nhân rộng ở nhiều địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Hoàng Văn Thức, tổ Bản Rạo, phường Xuất Hóa (TP Bắc Cạn) có hơn 200 gốc mơ, mỗi vụ thu hơn ba tấn quả, mang lại thu nhập hơn 50 triệu đồng. TP Bắc Cạn phát triển được 75ha, sản lượng bình quân mỗi năm khoảng 240 tấn quả. Trên nhiều vùng đồi, núi đá cằn cỗi, cây mơ hợp thổ nhưỡng, khí hậu đã giúp đồng bào thoát nghèo. Điển hình như xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới phát triển được 120ha mơ, sản lượng bình quân mỗi năm khoảng 600 tấn, giá trị kinh tế mỗi vụ đạt hơn năm tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 290 ha mơ, năng suất từ 30 đến 50 tạ/ha, sản lượng hơn 1.120 tấn/vụ.

Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Cạn đã triển khai dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ trong tuyển chọn cây ưu tú và phát triển cây mơ vàng tại tỉnh Bắc Cạn”, từ tháng 1-2018 đến 12-2020. Nhờ đó, cây mơ sinh trưởng, phát triển tốt hơn so với để phát triển tự nhiên, năng suất tăng từ 1 đến 1,5 lần so với vườn mơ không được cải tạo, chất lượng, mẫu mã cao hơn trước, giá bán được nâng lên, bình quân đạt 15.000 đồng/kg.

Để giúp người dân trồng mơ có đầu ra ổn định, lâu dài, tỉnh Bắc Cạn thực hiện nhiều giải pháp thu hút các dự án đầu tư chế biến quả mơ. Năm 2018, Công ty TNHH Việt Nam Misaki xây dựng nhà máy chế biến mơ quả công suất 2.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Thanh Bình (huyện Chợ Mới). Đồng thời công ty ký hợp đồng với người dân xã Cao Kỳ thu mua quả mơ trong thời hạn 5 năm liên tục với giá thấp nhất 8.000 đồng/kg, giá cao nhất theo giá thị trường. Sản phẩm sau chế biến được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Cạn Nguyễn Ngọc Cương cho biết, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 nâng tổng diện tích trồng mơ lên 561 ha, sản lượng đạt hơn 2.000 tấn/vụ. Hiện tại, dù có hợp đồng liên kết nhưng vẫn còn tình trạng một số hộ dân phá hợp đồng để bán mơ quả cho tư thương với giá cao hơn. Do vậy, sở, ngành đang tập trung chỉ đạo các xã thành lập các hợp tác xã trồng mơ, thực hiện quy củ liên kết sản xuất, mở rộng diện tích canh tác theo quy trình VietGAP, bảo đảm sản xuất bền vững.

Bài và ảnh: TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dan-toc-mien-nui/item/40348702-hieu-qua-kinh-te-tu-cay-mo-vang.html