Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách ở Tam Điệp

20 năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố Tam Điệp đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH thành phố Tam Điệp thăm, đánh giá việc sử dụng nguồn vốn của gia đình ông Trịnh Văn Tiến (thôn Quèn Thờ, xã Đông Sơn).

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH thành phố Tam Điệp thăm, đánh giá việc sử dụng nguồn vốn của gia đình ông Trịnh Văn Tiến (thôn Quèn Thờ, xã Đông Sơn).

Về Yên Sơn - một trong những xã khó khăn nhất của thành phố Tam Điệp giữa cái nắng chói chang cuối tháng 6, chúng tôi càng thấm sự vất vả của người dân nơi đây.

Chủ tịch UBND xã, anh Đinh Văn Bình cho biết: Yên Sơn là vùng có địa hình phức tạp, đất đai kém màu mỡ, sản xuất khó khăn. Xã đã từng nằm trong danh sách 23 xã nghèo của tỉnh, có những giai đoạn tỷ lệ hộ nghèo lên tới 17-18%. Địa phương đã đưa ra những định hướng để bà con phát triển kinh tế, trong đó có sự vào cuộc của NHCSXH để giải bài toán về vốn cho hộ nghèo, hộ chính sách.

Câu chuyện của chị Phan Thị Nhường (thôn Đoàn Kết, xã Yên Sơn) là một minh chứng. Là mẹ đơn thân, từng thuộc diện hộ nghèo, vậy mà nay một tay chị đã gây dựng nên cơ ngơi mà nhiều người phải mơ ước.

Với 2,5 ha đất vườn đồi, chị trồng 700 cây ổi, 300 cây mít, 200 cây bưởi, ngoài ra chị còn trồng xen các loại rau thơm, rau ăn lá, nuôi thêm bò, gà. Mùa nào thức ấy, lúc nào cũng có sản phẩm cho thu hoạch, từ đây chị có điều kiện nuôi 2 cô con gái ăn học thành tài, tạo việc làm thêm cho nhiều chị em phụ nữ trong thôn.

Chị Nhường tâm sự: "Trước đây, cuộc sống của tôi khó khăn lắm. May nhờ có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã giúp tôi có thêm trợ lực, phấn đấu vươn lên như ngày hôm nay".

Hàng chục năm qua, dòng vốn tín dụng chính sách đã thắp nên nhiệt huyết lao động đổi đời không chỉ của chị Nhường mà còn là hàng trăm hộ dân khác ở Yên Sơn. Từ đây rất nhiều mô hình kinh tế vườn đồi, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ được hình thành, giúp bà con vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no.

Từ một hộ nghèo nhờ nguồn vốn chính sách chị Phan Thị Nhường (thôn Đoàn Kết, xã Yên Sơn) gây dựng nên mô hình kinh tế vườn đồi cho thu nhập cao.

Hiện tại, toàn xã Yên Sơn chỉ còn 28 hộ nghèo, tương đương với khoảng trên 1% số hộ. Xã cũng đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2017 và đang trong quá trình xây dựng NTM nâng cao.

Không chỉ giúp người dân thoát nghèo, đồng vốn chính sách còn góp phần thúc đẩy việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau COVID- 19 trên địa bàn thành phố.

Như gia đình ông Trịnh Văn Tiến (thôn Quèn Thờ, xã Đông Sơn), vốn chuyên chăn nuôi con đặc sản, kết hợp làm du lịch, thời điểm dịch bệnh, việc làm ăn gặp không ít khó khăn.

Khi được phổ biến chương trình vay theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ông đăng ký và đã được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm. Số tiền này đã giúp gia đình ông có điều kiện cải tạo chuồng trại, nâng cấp cơ sở hạ tầng để kịp thời đón đầu dòng khách du lịch bùng nổ sau COVID.

Hiện trang trại của ông có khoảng 250 con hươu, nai, 100 con dê, thu hút rất nhiều khách đến thăm quan, trải nghiệm, tiêu thụ thực phẩm tại chỗ, tạo việc làm cho khoảng 10 lao động với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Phòng giao dịch NHCSXH thành phố Tam Điệp được thành lập tháng 7 năm 2003. Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, bằng những nỗ lực, tập thể cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ đã giao, chuyển tải vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đến với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Nếu khi mới thành lập, đơn vị chỉ thực hiện 2 chương trình cho vay với tổng dư nợ chỉ vỏn vẹn hơn 16.700 triệu đồng, đến nay đã mở rộng ra 11 chương trình tín dụng với tổng dư nợ là 184.615 triệu đồng (tăng gấp 11,04 lần so với ban đầu).

Doanh số cho vay năm sau cao hơn năm trước, các chỉ tiêu tín dụng về huy động vốn và tăng trưởng dư nợ qua các năm đều đạt và vượt kế hoạch được giao (tốc độ tăng trưởng bình quân 20 năm là 13,92 %/năm), chất lượng tín dụng được nâng lên (tỷ lệ nợ quá hạn chỉ là 0,09%).

Có thể khẳng định, sau 20 năm hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng NTM, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giải ngân cho 38.307 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn. Trong đó, có 3.433 hộ thoát nghèo, trên 5.000 lao động có việc làm, giúp cho gần 6.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây dựng cải tạo 18.541 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng 38 ngôi nhà cho hộ nghèo và 70 ngôi nhà ở xã hội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp Vũ Đình Chiến nhận xét: Hoạt động tín dụng chính sách là một trong những công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để thành phố Tam Điệp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế.

Do vậy, những năm qua, thành phố luôn quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, bố trí một phần ngân sách ủy thác sang Phòng Giao dịch NHCSXH Thành phố để tăng cường nguồn vốn cho vay tới các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể tăng cường phố hợp với Ngân hàng để thực hiện tốt việc bình xét cho vay, quản lý nguồn vốn có hiệu quả...

Nhờ vậy, nhiều năm liền Tam Điệp được tỉnh đánh giá là địa phương làm tốt công tác giảm nghèo. Năm 2022 số hộ nghèo của thành phố chỉ còn 124 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,6%.

Đồng chí Đoàn Văn Nguyên, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thành phố Tam Điệp cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đổi mới, phát triển hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn theo hướng ổn định và bền vững, gắn với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện đại hơn, phục vụ tốt hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu đều được vay vốn, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển đi lên của thành phố.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hieu-qua-nguon-von-tin-dung-chinh-sach-o-tam-diep/d2022070709395620.htm