Hiệu quả tăng gia sản xuất từ các tổ, trạm

Đóng quân trên các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nhiều tổ, trạm lẻ ở biệt lập trên các đèo, đồi, núi cao, xa khu dân cư, song Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 132 (Binh chủng Thông tin liên lạc) đã lãnh đạo, tổ chức tăng gia sản xuất (TGSX) bằng nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao.

Địa bàn tỉnh Gia Lai những ngày này đang oằn mình vì khô hạn, đến đâu cũng có biển cảnh báo cháy rừng, thế nhưng khi đến Trạm V74 (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 132), chúng tôi như lạc vào một thế giới khác bởi màu xanh của rau và cây ăn quả trải rộng trên diện tích hơn 400m2. Bên cạnh đó, trạm còn có bể cá rộng khoảng 20m2 ngay trong khuôn viên. Đại úy QNCN Nguyễn Giang Nam, Trạm trưởng, người có gần 20 năm gắn bó với Trạm V74, nên nắm rõ từng thớ đất, luồng gió, giọt sương nơi đây. Từ đó, anh đúc rút kinh nghiệm, phương pháp làm đất, ủ phân, tiết kiệm nước tưới, đến chọn giống cây, con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Anh tổ chức trạm luân phiên thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, bảo đảm thông tin liên lạc với TGSX. "Cái chính là cán bộ, chiến sĩ phải xem đơn vị như gia đình mình, cùng đồng lòng và quyết tâm cao thì mới tăng gia, chăn nuôi được", anh Nam nêu kinh nghiệm. Khi tôi hỏi "bộ đội chưa đủ nước tắm sao rau lại tươi tốt như vậy?", "Bộ đội không đủ nhưng rau thì phải đủ", Đại úy QNCN Nguyễn Giang Nam nói rồi nở nụ cười tươi rói. Anh giải thích thêm: Những ngày hạn hán bộ đội phải xuống đèo xin tắm nhờ ở các nhà dân, còn nước ở trên đèo thì được sử dụng theo phương châm "một giọt nước rơi xuống đất phải đến thẳng cây rau".

 Chiến sĩ Lữ đoàn 132 cho vịt ăn.

Chiến sĩ Lữ đoàn 132 cho vịt ăn.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Lữ đoàn 132 có 26 điểm đóng quân thì có đến 18 tổ, trạm lẻ ở vùng đặc biệt khó khăn, xa khu dân cư, xa chợ. Vì vậy, lữ đoàn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác TGSX để bảo đảm nguồn hậu cần tại chỗ. Vừa nâng cao đời sống bộ đội, vừa phòng khi mưa, lũ kéo dài, đơn vị bị chia cắt, cô lập. Nhưng cái khó là ở những nơi này thời tiết rất khắc nghiệt, diện tích đất hẹp, cằn cỗi, mùa khô thiếu nước trầm trọng, quân số lại ít, mà nhiệm vụ huấn luyện, trực thông tin, tuần tra bảo vệ các tuyến cáp quang rất nặng nề. Để giải bài toán này, từ Đảng ủy lữ đoàn đến các chi bộ luôn xác định rõ nội dung, chỉ tiêu, giải pháp lãnh đạo và giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc nhiệm vụ TGSX. Xem đây là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của đơn vị bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Cơ quan hậu cần cùng với các đơn vị nghiên cứu kỹ điều kiện tự nhiên, thời tiết, thổ nhưỡng, các loại cây giống, con giống để áp dụng mô hình TGSX phù hợp và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên, chiến sĩ về công tác TGSX.

Từ năm 2015 đến nay, lữ đoàn đã đầu tư trên 800 triệu đồng và huy động hơn 3.500 ngày công bộ đội để xây dựng, phát triển các mô hình TGSX; nâng diện tích vườn rau lên 7.850m2 và 2.450m2 vườn cây ăn quả, 1.500m2 chuồng, 1.200m2 ao nuôi cá; trong đó có 3.000m2 nhà lưới áp dụng công nghệ cao vào trồng rau cao cấp. Các trạm đóng quân trên đèo, núi cao đều có bể nuôi cá như: V74, V75, VT7... Toàn lữ đoàn thu được 276,9 tấn rau, củ, quả; 187,08 tấn thịt; 1,14 tấn cá; đưa vào ăn thêm đạt 2.000 đồng /người/ngày. Lãi từ TGSX và hoạt động có thu trên 2 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống của bộ đội; tặng quà, hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân gặp khó khăn.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/cuoc-thi-viet-bo-doi-hau-can-lam-theo-loi-bac-ho-day/hieu-qua-tang-gia-san-xuat-tu-cac-to-tram-619824