Hiệu quả thực hiện phần mềm kho dữ liệu điện tử ngành Dân số

Nhằm từng bước hiện đại hóa, tin học hóa công tác quản lý lĩnh vực dân số-KHHGĐ, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh triển khai thực hiện nhập dữ liệu dân số-KHHGĐ trên phần mềm kho dữ liệu điện tử (DLĐT) của ngành dân số (MIS). Qua triển khai bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu quản lý và điều hành của chương trình dân số-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh.

Chuyên viên phòng Dân số - Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp nhập dữ liệu trên phần mềm MIS.

Dễ dàng tìm kiếm thông tin

Hệ thông tin thống kê chuyên ngành - MIS là một phần mềm được thiết kế sẵn với mục đích quản lý các thông tin cơ bản của từng người như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình trạng hôn nhân, trình độ văn hóa…và thống kê các thông tin biến động (sinh, chết, kết hôn, ly hôn, chuyển đi, chuyển đến), thông tin chuyên ngành dân số.

Đồng chí Trịnh Thị Kim Cúc, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp cho biết: Trước khi có phần mềm, tất cả số liệu báo cáo, cán bộ dân số phải làm phương pháp thủ công. Từ khi triển khai phần mềm quản lý DLĐT trong công tác dân số-KHHGĐ đã mang lại hiệu quả rất lớn, phục vụ công tác hoạch định các chính sách, xây dựng các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố Tam Điệp.

Rà soát các số liệu để biết được mức sinh và các số liệu về mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn, từ đó có phương án tham mưu cho lãnh đạo thành phố có những văn bản chỉ đạo sát hợp, điều chỉnh mức sinh, có kế hoạch hoạt động để tuyên truyền, vận động cho người dân thực hiện tốt công tác dân số-KHHGĐ, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời, qua phần mềm cũng đáp ứng nhanh về số liệu cho các báo cáo của ngành, liên ngành, giúp UBND thành phố xây dựng chỉ tiêu dân số sát với tình hình địa bàn...

Được biết, hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đã được tin học hóa thành công quy trình lưu trữ và xử lý, lập báo cáo thống kê chuyên ngành đến cấp huyện trên phạm vi toàn quốc, với phần mềm dùng chung, thống nhất lưu trữ dữ liệu chuyên ngành dân số tại 3 cấp: Trung ương, tỉnh và huyện được kết nối liên thông, đồng bộ dữ liệu. Từ đó, giúp dễ dàng tra cứu thông tin từ người làm chuyên môn đến người quản lý.

Thạc sĩ Đặng Tiến Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác dân số-KHHGĐ trên địa bàn huyện, Trung tâm đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Phòng Dân số thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dân cư; giao cho cán bộ phụ trách xã thường xuyên cập nhật biến động dân số hàng ngày trên phần mềm dân số.

Với 6 cán bộ tham gia vận hành kho DLĐT và hỗ trợ cập nhật thông tin, 265 CTV dân số thường xuyên cập nhật thông tin cơ bản của hộ dân cư. Tất cả cán bộ quản trị, vận hành kho DLĐT cấp huyện có chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, tin học văn phòng; có kỹ năng cài đặt và quản trị hệ cơ sở dữ liệu và kỹ năng cài đặt, sử dụng và khai thác phần mềm MIS cấp huyện.

Qua phần mềm, lãnh đạo Trung tâm dễ dàng cập nhật được thông tin hàng tháng về số trẻ sinh, tỷ lệ về giới tính khi sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3, tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai… giúp Ban giám đốc Trung tâm Y tế huyện và Ban chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ huyện có giải pháp phù hợp, điều chỉnh mức tăng, giảm chỉ tiêu dân số hàng năm trên địa bàn. Đồng thời, nhờ dữ liệu liên thông các cấp, tạo điều kiện kết nối dữ liệu trong toàn tỉnh, hướng đến số hóa dữ liệu dân cư.

Nâng cao hiệu quả quản lý dân số

Đồng chí Phạm Ngọc Cương, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh cho biết: Thực hiện chủ trương tin học hóa công tác dân số của Tổng cục DS-KHHGĐ, từ năm 2003, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Ninh Bình đã triển khai cập nhật, thu thập thông tin biến động, cơ sở dữ liệu (CSDL) vào phần mềm kho DLĐT, với tên gọi MIS từ tỉnh đến các huyện, thành phố.

Qua hơn 10 năm xây dựng và hoàn thiện, đến ngày 1/7/2021 phần mềm đã cập nhật được 269.397 hộ dân cư với tổng số nhân khẩu thực tế thường trú là 1.003.441 người. Phần mềm đã mang lại nhiều tiện ích, cung cấp đầy đủ thông tin, phục vụ nhu cầu quản lý và điều hành trong công tác DS-KHHGĐ nói riêng và công tác y tế, xã hội của tỉnh nói chung.

Hiệu quả rõ nhất phần mềm mang lại đó là tại hệ thống thông tin của kho DLĐT, chỉ cần thao tác đơn giản trên máy tính, không mất nhiều thời gian ghi chép và làm báo cáo thủ công như trước đây người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin của từng cá nhân, hoặc nhóm đối tượng một cách nhanh chóng và chính xác.

Các dữ liệu thông tin này góp phần rất lớn trong việc cung cấp số liệu cho các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Như: Cung cấp thông tin, số liệu thống kê chuyên ngành, lập danh sách trẻ em đi học, danh sách tuyển nghĩa vụ quân sự; hỗ trợ UBND cấp xã sử dụng cơ sở dữ liệu này để in thẻ khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, lập danh sách cử tri; cung cấp thông tin, số liệu dân số trong ngành y tế (chia sẻ dữ liệu cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử…).

Hệ thống phần mềm MIS cũng góp phần rất lớn trong việc giảm bớt vất vả cho người làm công tác dân số, giảm bớt các thao tác thủ công. Các báo cáo được thực hiện nhanh và thuận lợi hơn, số liệu cập nhật đồng bộ giúp cho công tác quản lý đạt nhiều kết quả.

Đồng thời, phần mềm cũng góp phần tạo tính minh bạch, chính xác trong thông tin về các quản lý dữ liệu dân cư, các số liệu báo cáo hoạt động dự án Dân số - KHHGĐ. Từ đây, giúp cho công tác quản lý, chỉ đạo từ cấp Trung ương về địa phương sát sao hơn, chặt chẽ và kịp thời hơn.

Tuy nhiên, chất lượng thông tin chuyên ngành dân số chưa đáp ứng đầy đủ tình hình và dự báo dân số phục vụ nghiên cứu, hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu ngày càng cao của các đối tượng sử dụng thông tin số liệu ở trong nước và quốc tế.

Vì thế, Bộ Y tế được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án "Củng cố, phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030" nhằm hình thành hệ thống lưu trữ, kết nối thông tin số liệu dân số; cung cấp thông tin, số liệu dân số, đáp ứng nhu cầu sử dụng của mọi cơ quan, tổ chức, phục vụ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội...

Trong thời gian tới, thực hiện phần mềm hướng đến số hóa các hoạt động Dân số-KHHGĐ của tỉnh, căn cứ vào Quyết định số 2259/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 phê duyệt Chương trình "Củng cố, phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030", Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh sẽ tham mưu cho Sở Y tế trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 2259 tại tỉnh Ninh Bình nhằm phát triển, hoàn thiện hệ thống thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin số liệu chuyên ngành dân số theo hướng hiện đại và bảo đảm kết nối liên thông đến cấp xã, lưu trữ tập trung tại Trung ương và cấp tỉnh, bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin số liệu tin cậy và dự báo dân số chính xác, phục vụ việc xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bài, ảnh: Hồng Vân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hieu-qua-thuc-hien-phan-mem-kho-du-lieu-dien-tu-nganh-dan/d2021081607574417.htm