Hiệu quả thực thi của một hiệp định 'đi tắt đón đầu'

Một hiệp định thương mại tự do được Quốc hội phê chuẩn, sau 3 năm thực thi đã đưa Việt Nam lên một vị thế mới khi là một thành viên tham gia 'xét duyệt' đơn xin gia nhập của nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Vương quốc Anh, Hàn Quốc…

Ông Lương Hoàng Thái phát biểu tại Hội nghị tổng kết.

Ông Lương Hoàng Thái phát biểu tại Hội nghị tổng kết.

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) và Tạp chí Công Thương vừa phối hợp tổ chức “Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương”.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên khẳng định, đây là một hiệp định đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

“Nếu như chúng ta để ý thì đây là hiệp định duy nhất từ trước đến nay khi thông qua là phải trình lên Ban chấp hành Trung ương và cũng là hiệp định thương mại tự do đầu tiên được Quốc hội của chúng ta phê chuẩn. Và khi đó được phê chuẩn với tỷ lệ rất cao, tỷ lệ tuyệt đối với những đại biểu có mặt tại Quốc hội” - ông Thái nói.

Nhắc lại giai đoạn 2007 - 2008 là giai đoạn bắt đầu thế giới nổ ra khủng hoảng, ở Việt Nam thì khủng hoảng trễ hơn một chút (khoảng một năm), giai đoạn 2009 là giai đoạn cực kỳ khó khăn, ông Thái cho biết, thời điểm đó, lãnh đạo Chính phủ đã có một bước quyết định “hết sức mạnh bạo”.

Đó là việc quyết định “đi tắt đón đầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế” trong khi nhiều nước trên thế giới khủng hoảng, thậm chí, thắt chặt thương mại. Đó chính là lý do khi phê chuẩn hiệp định này phải trình lên Ban chấp hành Trung ương. Vì hiệp định đưa ra một định hướng rất mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau 3 năm thực thi, dù có nhiều khó khăn và thách thức nhưng kết quả ban đầu tương đối khích lệ. Ngay trong năm đầu tiên thực hiện, 2 thị trường lần đầu có quan hệ thương mại tự do (gồm Canada và Mexico) đều đạt tăng trưởng khoảng 30%.

Và ngay trong năm đầu tiên, Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường CPTPP trên 1 tỷ USD, là tiền đề để Việt Nam đảm bảo những cân đối lớn vĩ mô của nền kinh tế.

Ông Thái chia sẻ: “Sau 3 năm thực hiện, kết quả có lẽ còn đáng khích lệ hơn khi kỳ tại họp Quốc hội vừa qua, khi Quốc hội yêu cầu kiểm điểm lại Hiệp định CPTPP, Chính phủ đã có những báo cáo rất quan trọng, chứng mình hiệu quả thực thi của hiệp định này”.

Đó là việc liên tục tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường CPTPP, đặc biệt là những thị trường mới mở. Tăng trưởng tiếp tục duy trì ở tốc độ cao và tổng kim ngạch xuất siêu của Việt Nam trong những tháng đầu năm của năm 2022 sang khối thị trường này đạt được khoảng 6 tỷ USD.

Đáng chú ý, ông Lương Hoàng Thái chia sẻ, kể từ khi ông tham gia công tác hội nhập (từ năm 1996), thì CPTPP đã đưa Việt Nam lên một vị thế mới khi “lần đầu tiên trong đời tôi thấy mình được ngồi trên bàn như một thành viên Ban giám khảo để xét đơn gia nhập của các đối tác như Vương quốc Anh, Hàn Quốc hay thậm chí những nền kinh tế rất lớn như Trung Quốc”.

Ngoài ra có nhiều nền kinh tế khác như Urugoay, Costa Rica ở rất xa thì họ cũng quan tâm. “Rõ ràng vị thế của CPTPP được cải thiện” - ông Thái nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Lương Hoàng Thái cũng lưu ý: “Lợi thế của chúng ta với vai trò là người dũng cảm đi đầu triển khai hiệp định quốc tế này đang dần dần mất đi. Malaysia, Chile vừa qua cũng đã gần như hoàn thành quá trình phê chuẩn và một số nền kinh tế khác có thể thời gian tới cũng sẽ tham gia khối thị trường này”.

Do đó, giai đoạn tới, cần phải có những bước chuẩn bị kỹ càng để tăng tăng cường hiệu quả hơn nữa những ưu đãi của hiệp định này.

Nhật Thu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hieu-qua-thuc-thi-cua-mot-hiep-dinh-di-tat-don-dau-post462882.html