Hiệu quả tích cực kết nối tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi

Nhờ những đổi mới, sáng tạo trong kết nối tiêu thụ sản phẩm của địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa và hải đảo, nhiều sản phẩm nông sản đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước. Điều này không chỉ tạo liên kết trong cân đối cung - cầu hàng hóa, hỗ trợ người dân vùng khó khăn mà còn góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững tại địa bàn khó khăn.

Nhờ hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ nông sản trên các sàn giao dịch điện tử, kênh bán hàng trực tuyến, thông qua các tuần lễ nông sản vùng miền thường niên tại các hệ thống phân phối lớn như Big C, đến nay nhiều nông sản của tỉnh Điện Biên như Gạo điện biên, cà phê Mường Ảng, chè Tủa Chùa đã được đông đảo người dân cả nước biết đến và tin dùng. Từ đây, các sản phẩm nông sản của Điện Biên dần khẳng định thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống của người nông dân.

Ông PHẠM ĐỨC TOÀN - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên: “Qua 2 chương trình này thì hàng hóa Điện Biên đã được biết đến thị trường trong nước. Đây là cú hích thúc đẩy hàng hóa phát triển để ngưòi dân xóa đói giảm nghèo nên cần thúc đẩy phát triển rộng rãi hơn nữa”.

Với sự vào cuộc của các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Top Market, Go, 90% sản phẩm nông sản khắp các vùng miền đã có mặt tại các hệ thống này. Nhờ đó, người sản xuất và doanh nghiệp tại vùng khó khăn dần quen với phương thức phân phối hiện đại. Từ đó tạo những thay đổi trong tư duy canh tác, sản xuất và tiêu thụ, ngày càng tạo được niềm tin của khách hàng cả trong và ngoài nước

Ông LÊ MẠNH PHONG - Giám đốc điều hành hệ thống đại siêu thị Big C: “Bản thân hệ thống trong tập đoàn chúng tôi đã tổ chức các hoạt động xúc tiến không chỉ đưa nông sản Việt ở hệ thống Big C tại Việt Nam mà còn cả ở Thái Lan, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều tuần hàng tại Thái Lan và hiệu quả rất tích cực “

Những kết quả trên cho thấy hiệu quả tích cực từ chương trình phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo của Chính phủ. Trong đó đã hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại bền vững. Từ đó nhiều đặc sản vùng miền như Xoài Sơn La, Sâm Ngọc Linh, cá hồi Sa pa đã có mặt tại nhiều hệ thống phân phối uy tín trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài

Ông ĐỖ THẮNG HẢI - Thứ trưởng Bộ Công thương: “Bộ Công thương đã phối hợp các bộ ngành để xây dựng chiến lược đề án để tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp hơn nữa để tăng cường kỹ năng, đào tạo nâng cao chất lượng, nhận thức của cán bộ tại vùng biên giới hải đảo, vùng sâu vùng xa".

Với những kết quả đạt được trong chương trình phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, giai đoạn 2021-2022 sẽ tiếp tục hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp vùng khó khăn ở mức độ cao hơn qua phương thức chuyển đổi số qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, nâng cao hơn nữa đời sống cho ngưòi dân vùng dân tộc thiểu số.

Thực hiện : Hải Yến Thế Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/hieu-qua-tich-cuc-ket-noi-tieu-thu-san-pham-thuong-mai-mien-nui