Hiệu quả tích cực trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Nhờ những biện pháp chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Phú Xuyên đã đạt những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người lao động khu vực nông thôn, giúp người dân nông thôn tạo việc làm, tăng thu nhập từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện.

Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Phú Xuyên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ luôn được huyện Phú Xuyên đặc biệt chú trọng, chỉ đạo triển khai với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ.

Ngoài việc xây dựng các Kế hoạch, ban hành các quyết định, văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho người lao động, UBND huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đơn vị tham mưu kịp thời về thực hiện Đề án nâng cao chất lượng đào tao nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 năm 2018, 2019.

Đoàn kiểm tra của Thành phố Hà Nội nắm bắt tình hình giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại một xưởng may công nghiệp ở xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên

Đoàn kiểm tra của Thành phố Hà Nội nắm bắt tình hình giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại một xưởng may công nghiệp ở xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên

100% các xã, thị trấn có liên quan đã đưa nội dung triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào Nghị quyết họp Ban chấp hành Đảng bộ của địa phương hàng năm. Đặc biệt, Huyện đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên; giám sát công tác đào tạo nghề đối với từng lớp học.

Để nâng cao nhận thức của người dân đối với việc học nghề, UBND huyện đã chỉ đạo Đài truyền thanh huyện xây dựng chuyên mục tuyên truyền, tư vấn học nghề và các đài xã, thị trấn tiếp sóng. Ngoài ra, Huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư vấn thông qua các tổ chức đoàn thể ở địa phương như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh. Nhiều xã có chương trình giới thiệu về chính sách đào tạo nghề, các mô hình dạy nghề, học nghề có hiệu qura đồng thời bố trí cộng tác viên làm công tác tuyên truyền, tư vấn cho bà con trước khi chọn và học nghề.

Huyện giao cho Phòng Lao động- thương binh và xã hội phối hợp với Hội nông dân, Hội phụ nữ, Huyện đoàn xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền tư vấn, định hướng đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên, người lao động nông thôn tại 28 xã, thị trấn, tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến toàn bộ gia đình có người trong độ tuổi lao động được biết chính sách của nhà nước.

Kết quả, năm 2018, Huyện đã tổ chức được tổng số 23 lớp với 800 học viên tham gia học nghề. Trong đó, nghề nông nghiệp có 15 lớp với 520 lao động học nghề, nghề phi nông nghiệp đào tạo được 8 lớp với 280 lao động học nghề. Số lao động được tạo việc làm sau học nghề là 745 lao động, đạt tỷ lệ 93%. Trong đó, số lao động được doanh nghiệp bao bao tiêu sản phẩm là 155 lao động, và tự tạo việc làm là 520 người. Năm 2019, đến thời điểm này, UBND huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức ký hợp đồng đào tạo được 20 lớp cho 700 học viên; trong đó nghề nông nghiệp có 12 lớp với 420 học viên; nghề phi nông nghiệp có 8 lớp với 280 học viên.

May công nghiệp là một trong những nghề mà huyện Phú Xuyên triển khai đào tạo cho lao động nông thôn

Đánh giá hiệu quả của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Phú Xuyên, ông Trần Công Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên nhìn nhận: “Việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động khu vực nông thôn của huyện trong những năm qua đã tạo ra việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững và góp phần giữ vững an ninh trật tự xã hội trên địa bàn huyện để tập trung phát triển kinh tế xã hội”.

Khẳng định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng mà huyện Phú Xuyên sẽ tiếp tục quan tâm chú trọng trong thời gian tới, ông Trần Công Thành cũng chia sẻ những khó khăn mà huyện Phú Xuyên đang gặp phải trong công tác này. Một trong số những khó khăn đó là đội ngũ giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn huyện Phú Xuyên còn thiếu.

Theo ông Trần Công Thành, hiện tại, huyện chưa có Trung tâm dạy nghề nên việc dạy nghề cho lao động nông thôn chủ yêu do các doanh nghiệp, đơn vị và các trường ngoài địa bàn huyện thực hiện dẫn đến khó khăn trong công tác tuyển sinh, bố trí địa điểm học, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học. Đặc biệt, điều này cũng khiến việc quản lý chất lượng dạy nghề sau đào tạo, trách nhiệm của đơn vị dạy nghề trong giới thiệu tạo việc làm, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho học viên học nghề gặp nhiều khó khăn.

Để công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao hơn trong những năm tiếp theo, lãnh đạo huyện Phú Xuyên đề xuất các cấp ngành từ Trung ương đến Thành phố có quy chế quy định bổ sung, hoàn thiện đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên trách về công tác dạy nghề từ huyện đến xã, thị trấn. Huyện cũng đề nghị bổ sung tăng kinh phí hỗ trợ cho lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách thân nhân người có công, người khuyết tật tiền ăn, đi lại và đề xuất gắn đào tạo nghề với hỗ trợ việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân; gắn thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn với chủ trương xây dựng nông thôn mới…

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/hieu-qua-tich-cuc-trong-cong-tac-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-98660.html