Hiệu quả tín dụng chính sách: Cơ sở quan trọng trong thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Sáng 23-9, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững (GNBV) đã tổ chức hội nghị trực tuyến về vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu quốc gia GNBV.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến về vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu quốc gia GNBV, tại điểm cầu Thanh Hóa.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV, chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các ban, sở, ngành, địa phương liên quan tham dự hội nghị.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách đã phát huy tốt hiệu lực, hiệu quả và tác động tích cực đến việc thực hiện mục tiêu GNBV, xây dựng nông thôn mới. Tính đến ngày 31-8-2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng (tăng trên 40%) so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 9,7%, với gần 6,6 triệu khách còn dư nợ. Trong đó, chương trình tín dụng cho hộ nghèo dư nợ đạt 35.888 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ, với hơn 1,1 triệu hộ đang còn dư nợ; hộ cận nghèo dư nợ đạt 31.572 tỷ đồng, chiếm 15.8% tổng dư nợ, với 894 nghìn hộ còn dư nợ, tăng 4.091 tỷ đồng so với năm 2015; hộ mới thoát nghèo dư nợ đạt 33.159 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng dư nợ với trên 1 triệu hộ còn dư nợ, tăng 29.655 tỷ đồng so với năm 2015... Ngoài ra, các chương trình tín dụng nước sạch vệ sinh môi trường; cho vay giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; chương trình tín dụng đối với vùng khó khăn và các chương tình tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.

Đồng chí Phạm Đăng Quyền,Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Thanh Hóa.

Tại Thanh Hóa, tính từ đầu năm 2016 đến 31-7-2019, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh đã giải ngân cho vay 3 chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đạt 7.128 tỷ đồng, với 230.905 lượt hộ vay vốn, dư nợ đạt 5.761 tỷ đồng. Thông qua hoạt động tín dụng chính sách, các hộ vay đã sử dụng vốn vào sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng miền; giảm tỷ lệ thất nghiệp; hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã thảo luận và làm rõ hơn hiệu quả đạt được từ các tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu GNBV. Đồng thời, đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV giai đoạn 2016-2020 và giai tiếp theo.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV. Để phát huy vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu GNBV, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tích cực chủ động thực hiện tốt Chỉ thị số 40/CT-TW năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kế hoạch 401 về triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường nguồn lực thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; thực hiện tốt các chủ trương xã hội hóa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội, các tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước, ủy thác vốn, đóng góp vốn tự nguyên không hoàn lại thông qua NHCSXH để chung tay tạo lập nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi, phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống góp phần vào chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội của địa phương một cách bền vững; các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn nữa các công việc được NHCSXH ủy thác bảo đảm cho vay đúng chính sách đúng đối tượng, giúp người nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả cải thiện đời sống và có nguồn vốn trả nợ ngân hàng. Đề nghị không chỉ cho vay đúng chính sách mà phải hướng dẫn cho sử dụng vốn có hiệu quả; chú trọng củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, nhất là coi trọng chất lượng tín dụng cho một số đối tượng, tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động cho vay, thu nợ, bảo đảm giảm thiểu rủi ro, chú ý đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đối với đội ngũ cán bộ tín dụng. Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nghiên cứu, tổng hợp các bài tham luận địa phương hoàn thiện thể chế chính sách giai đoạn tiếp theo; NHCSXH trên cơ sở các bài tham luận của trung ương và địa phương hoàn thiện báo cáo chuẩn bị cho 5 năm tổng kết chương trình tín dụng ưu đãi trong thực hiện mục tiêu GNBV.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, đồng chí Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ban, sở, ngành liên quan phối hợp với NHCSXH rà soát chương trình giảm nghèo nói chung và tín dụng chính sách nói riêng, xem có những khó khăn, bất cập gì nhằm điều chỉnh kịp thời và đưa ra các giải pháp góp phần thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá chương trình giảm nghèo tại địa phương báo cáo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng CSXH tổng hợp trình UBND tỉnh chuẩn bị cho dịp tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Đồng chí Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho UBND huyện Như Xuân và Phòng giao dịch NHCSXH huyện Như Xuân.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền trao Giấy khen của Tổng Giám đốc NHCSXH cho 3 tạo thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc.

Cũng tại hội nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trao Bằng khen cho 45 tập thể và 5 cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện chính sách góp phần GNBV giai đoạn 2016-2020; Tổng Giám đốc NHCSXH đã trao Giấy khen cho 136 tập thể và 150 cá nhân đã có thành tích thực hiện vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu GNBV giai đoạn 2016-2020. Thanh Hóa có 2 tập thể nhận được Bằng khen của Bộ LĐTB&XH; 3 tập thể, 3 cá nhân nhận được Giấy khen của Tổng Giám đốc NHCSXH.

Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/hieu-qua-tin-dung-chinh-sach-co-so-quan-trong-trong-thuc-hien-muc-tieu-quoc-gia-giam-ngheo-ben-vung/107920.htm