Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng hợp lý

Ngọc Quế

BPO - Trồng cây gì, nuôi con gì là bài toán khó đối với nhiều nông dân. Thế nhưng, khi biết tận dụng những lợi thế cây trồng, vật nuôi sẽ giúp nông dân tìm ra lối đi và có thu nhập ổn định. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình sản xuất phù hợp đã mang lại hiệu quả kinh tế và cải thiện đời sống cho nhiều hội viên nông dân tỉnh Bình Phước.

Trồng chuối bán lá

Chuối sứ (còn gọi là chuối xiêm) là một trong những loại trái cây quen thuộc và được tiêu thụ rộng rãi trên thế giới vì mang lại giá trị dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe con người. Chuối sứ có hàm lượng chất xơ cao góp phần tăng cường hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài ra, lá chuối chứa nhiều chất quan trọng, hữu ích đối với sức khỏe, làm đẹp, đồng thời được sử dụng nhiều trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Sau vài đợt bán trái, nhận thấy nhu cầu mua lá chuối cao, bà Lê Thị Hạnh ở ấp 2, xã An Khương, huyện Hớn Quản đã chuyển sang bán lá. Với giá 5.000 đồng/kg thu mua tại vườn, vào mùa khô, gia đình bà Hạnh bán được khoảng 1 tấn lá, thu 50 triệu đồng. Theo bà Hạnh, mùa mưa, lá phát triển nhanh nên thu nhập tăng gấp 3-4 lần. Thương lái vào tận vườn cắt lá, khoảng 7-10 ngày cắt 1 lần, tiền thu về nhanh hơn so với bán trái.

Gia đình bà Lê Thị Hạnh chọn bán lá chuối thay vì bán trái vì thời gian thu hoạch lá nhanh hơn

Bà Hạnh cho biết: Sau khi vườn tiêu già cỗi, gia đình đã chuyển sang trồng cao su. Thời gian chờ thu hoạch mủ cao su mất từ 5-6 năm nên gia đình đã trồng xen chuối trong vườn cao su 2 ha. Chuối sứ là một trong những loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp. Chuối trồng từ 7 tháng trở lên là cho trái. Từ khi chuối trổ buồng đến lúc thu hoạch khoảng 100 ngày. Trồng chuối bán trái hay bán lá đều đem lại nguồn thu khá. Tuy nhiên, thời gian cho thu hoạch trái lâu hơn, trong khi lá cắt bán thường xuyên được nên gia đình tập trung nuôi cây, bán lá.

Bà Lê Thị Hạnh ở ấp 2, xã An Khương, huyện Hớn Quản cho biết, lá chuối cắt bán phải là những lá lành, nếu gió nhiều, lá chuối bị rách rất khó bán

Ông Phan Lê Trung Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Khương cho hay: Chuối là cây trồng quen thuộc với người nông dân. Tuy nhiên để chuối trở thành cây trồng chủ lực cần có sự đầu tư, chăm bón. Nếu nông dân có định hướng trồng chuối thì phải áp dụng các biện pháp canh tác chuyên sâu để mang lại chất lượng nông sản cao khi bán ra thị trường.

Trồng bưởi thu trái quanh năm

Hộ ông Trương Văn Chi ở ấp Bù Xăng, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú trồng khoảng 40 cây bưởi da xanh năm thứ 9. Theo ông, bưởi da xanh trồng sau 3 năm là có trái bói. Khi cây ra bông, đậu trái phải xử lý bỏ bớt bông, trái để cây không bị suy. Năm 2022, vườn bưởi da xanh của gia đình ông thu hoạch khoảng 2 tấn trái, đạt gần 50 triệu đồng.

Ông Trương Văn Chi cho biết, phải thường xuyên thăm vườn, xử lý sâu bệnh hại để bưởi đạt năng suất, chất lượng tốt

Bưởi từ lúc ra bông đến khi thu hoạch khoảng 8 tháng, vụ thu hoạch chính vào tháng 8-9. Tuy nhiên, vườn bưởi của gia đình được ông Chi chăm sóc và xử lý cho trái quanh năm. Đặc biệt, ông tập trung thu hoạch vào thời điểm tết Nguyên đán và mồng 1, ngày rằm hằng tháng vì giá bán cao hơn. Hiện giá bán bình quân tại vườn 25 ngàn đồng/kg.

Bưởi da xanh trồng từ cây chiết sẽ nhanh cho trái hơn cây giống ghép. Tuy nhiên, về lâu dài cây ghép có tuổi thọ cao hơn nên thời gian thu hoạch dài hơn. Bưởi da xanh có giá trị dinh dưỡng cao cộng với ưu điểm róc múi và có vị chua, ngọt thanh nên được nhiều người ưa chuộng. “Bưởi da xanh là cây chịu hạn tốt, chịu úng kém nhưng lại rất cần nước, đặc biệt giai đoạn tạo trái. Trong giai đoạn sinh trưởng, cây cần nhiều nước cho quá trình quang hợp tạo chồi. Thời điểm này nếu vào mùa mưa thì không cần tưới nước mà chỉ bổ sung thêm phân bón. Tùy theo giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây, việc bón phân có thể được chia ra các thời kỳ theo độ tuổi của cây hoặc vào các thời điểm trước hoặc sau thu hoạch” - ông Chi chia sẻ.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/147824/hieu-qua-tu-chuyen-doi-cay-trong-hop-ly