Hiệu quả từ chuyển đổi số trong nông nghiệp

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT triển khai hàng loạt chương trình chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bám sát các mục tiêu đẩy mạnh CĐS của Bộ NN-PTNT, ngành Nông nghiệp Đồng Nai đi tiên phong trong CĐS với mục tiêu tri thức hóa đội ngũ nông dân.

Nông dân tại H.Vĩnh Cửu ứng dụng công nghệ cao trồng rau, trái sạch trong nhà màng. Ảnh: B.Nguyên

Trong đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là một trong những mục tiêu đột phá của Đảng bộ Đồng Nai trong giai đoạn 2021-2025.

* Hình thành đội ngũ nông dân số

Trung tâm CĐS và thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) phối hợp với các đơn vị liên quan vừa ra mắt nền tảng Mạng nhà nông - Hành trình nông dân số. Mạng nhà nông có đầy đủ tính năng của một “mạng xã hội”, tích hợp công cụ lập kế hoạch như: dự kiến sản lượng, dịch vụ, nhật ký công việc, kết nối các tổ chức tín dụng, dự kiến tất cả chi phí đầu vào, kết nối giữa nông dân và chuyên gia…

Tại hội thảo Nông nghiệp số - Ứng dụng flycam phục vụ sản xuất do UBND tỉnh tổ chức nằm trong Tuần lễ CĐS Đồng Nai năm 2023 tổ chức vào đầu tháng 10-2023, đại diện Công ty CP Công nghệ Xelex (TP.HCM) nhận xét, Mạng nhà nông sẽ góp phần giải quyết những hạn chế của nông dân, sản xuất nông nghiệp truyền thống như: không có kế hoạch rõ ràng mà làm việc theo kinh nghiệm, tập quán; phần lớn HTX thiếu công cụ quản trị; cập nhật chậm các thông tin mới về chính sách hỗ trợ; khó tiếp cận nguồn vốn, thiếu chủ động trong mua, bán… Mạng nhà nông là diễn đàn nông dân rộng lớn được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo giúp cho việc trao đổi thông tin một cách dễ dàng. Các thông tin thị trường sẽ được cập nhật mới nhất, nhanh nhất với các số liệu chính xác, có thể giải đáp các vấn đề bất kỳ trong lĩnh vực nông nghiệp. Người sử dụng nền tảng cũng dễ dàng và linh hoạt tạo lập kế hoạch tài chính, báo cáo mùa vụ theo mục tiêu đề ra với sự hỗ trợ của các công cụ tiên tiến. Đây cũng là kênh giúp nông dân cập nhật tin tức chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếp cận tín dụng cũng như được giải đáp ngay những thắc mắc liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Giám đốc Trung tâm CĐS và thống kê nông nghiệp Nguyễn Quốc Toản (Bộ NN-PTNT), mục tiêu hướng tới của Mạng nhà nông là nâng cao tự chủ kiến thức cho nông dân thông qua phương thức giải đáp các câu hỏi liên quan đến mùa vụ, quy trình canh tác, phòng trừ sâu bệnh, phối hợp chặt chẽ với lực lượng khuyến nông cơ sở. Đồng thời, liên kết tiêu thụ góp phần giải quyết đầu ra thông qua kết nối giao dịch nông sản và liên minh bán buôn; giúp HTX, doanh nghiệp, hộ nông dân quản lý công việc tốt hơn thông qua nền tảng số, ứng dụng điện thoại, máy tính bảng. Từ đó, tối ưu nguyên liệu đầu vào, giảm chi phí, cung cấp nhiều lựa chọn cho người sử dụng. Mô hình này đang được triển khai thí điểm tại một số địa phương và tiến tới nhân rộng ra toàn quốc.

Theo Sở NN-PTNT, đến nay các địa phương trên địa bàn Đồng Nai đã rà soát, xác định được 98 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC với tổng diện tích gần 19 ngàn ha. Các vùng nông nghiệp CNC thu hút đầu tư đa dạng các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…

* Nhiều giải pháp về công nghệ cao

Đồng Nai là một trong 8 tỉnh, thành phố trong cả nước đi tiên phong triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, nông sản. Từ năm 2020, tỉnh đã triển khai 2 dự án Quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm Te-food và Truy xuất sản phẩm từ động vật, đến nay đã có những hiệu quả nổi bật.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh cho biết, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Đồng Nai rất tích cực triển khai CĐS, từ việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đến xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành. Đặc biệt, năm 2020, tỉnh tiên phong triển khai 2 dự án Quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm

Te-food và Truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ động vật; đồng thời, xây dựng danh mục các dự án đầu tư công phục vụ CĐS giai đoạn 2021-2025. Hiện nay, ngành đang đẩy mạnh triển khai xây dựng mã số vùng trồng cho nhiều cây trồng có lợi thế xuất khẩu nhằm minh bạch về quy trình sản xuất, chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu.

Nhờ đó, Đồng Nai có nhiều lợi thế thu hút, khuyến khích nông dân, HTX, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư CNC vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp của địa phương. Tiêu biểu mô hình điểm trong lĩnh vực chăn nuôi có HTX Nông nghiệp CNC Long Thành Phát (H.Long Thành) tiên phong trong cả nước đầu tư CNC nuôi gà công nghiệp xuất khẩu đi thị trường khó tính Nhật Bản. HTX Thanh Bình (H.Trảng Bom) không chỉ xuất khẩu tốt mặt hàng chuối tươi đi những thị trường khó tính như Hàn Quốc, mà còn đầu tư chế biến sâu. HTX đã đầu tư dây chuyền thu hoạch đến hệ thống kho lạnh, các máy móc sơ chế, chế biến sản phẩm từ chuối; đặc biệt nhất là tận tụng phế phẩm thân cây chuối làm bẹ dây chuối, sợi dây chuối xuất khẩu đi các nước.

Ngoài ra, tại các địa phương đã phát triển mô hình dịch vụ cơ giới nông nghiệp đến từng xã. Nhiều HTX, nông dân mạnh dạn đầu tư tiền tỷ ứng dụng các thiết bị công nghệ cao vào sản xuất như: sử dụng máy bay không người lái; đầu tư những công nghệ hiện đại trong khâu bảo quản, chế biến nông sản.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202310/hieu-qua-tu-chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-8174f2f/