Hiệu quả từ công tác đối thoại

Sau 5 năm thực hiện, Quyết định số 2200-QĐ/TU ngày 25/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về 'Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội' đã phát huy hiệu quả cao. Đây thật sự là cầu nối quan trọng, giúp tăng thêm chỉ số niềm tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền các cấp để cùng chung tay thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.

Nhờ công tác đối thoại, khu đất bỏ hoang tại 104 phố Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội) được xây dựng thành trung tâm thương mại khang trang, sạch đẹp. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Nhờ công tác đối thoại, khu đất bỏ hoang tại 104 phố Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội) được xây dựng thành trung tâm thương mại khang trang, sạch đẹp. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Bài 1: Tăng chỉ số niềm tin

Không chỉ đáp ứng yêu cầu về số lượng, các cuộc đối thoại trên địa bàn thành phố Hà Nội còn tăng cường chất lượng với trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Nhờ đó, nhiều nhiệm vụ khó đã được giải quyết, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Khi người dân đồng thuận

Trước năm 2018, khu đất rộng hàng trăm mét vuông tại 104 phố Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai bị bỏ hoang, là nơi tập kết rác thải, gây ô nhiễm vệ sinh môi trường, gây bức xúc cho nhân dân. Do nhiều năm không được xử lý dứt điểm dẫn đến tình trạng khiếu kiện, đơn thư kiến nghị thu hồi dự án. Thậm chí có lúc "tiêu cực", nhiều người dân cho biết, nếu không giải quyết thì sẽ không tham gia bất cứ hoạt động nào của địa phương. Trước tình hình này, lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường Tương Mai đã tổ chức đối thoại với hàng trăm người dân để tìm hướng tháo gỡ; đồng thời làm việc với chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm dự án thực hiện đúng mục đích. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt ấy, năm 2018, địa điểm này đã được xây dựng thành một trung tâm thương mại khang trang, người dân rất phấn khởi. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tương Mai Đào Thị Thu Hằng cho rằng, nếu không nhờ làm tốt công tác đối thoại, vụ việc sẽ không được giải quyết dứt điểm.

Tại thị trấn Chi Đông (huyện Mê Linh), khu đất đấu giá X1 thuộc tổ dân phố số 2 có diện tích hơn 3.400m2 vừa được đưa ra đấu giá thành công vào cuối tháng 7/2022, thu về cho ngân sách gần 226 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, để có kết quả này lại không hề đơn giản. Muốn đấu giá dự án này phải thực hiện giải phóng mặt bằng nhưng có ba hộ dứt khoát không đồng thuận. Các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động, nhưng tình hình vẫn khá căng thẳng; chính quyền đã chuẩn bị phương án cưỡng chế. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Chi Đông quyết định tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ dân, phân tích và giải đáp cụ thể từng vướng mắc. Sau đó, cả ba hộ dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng, không phải tổ chức cưỡng chế và dự án được đấu giá bảo đảm tiến độ, đạt hiệu quả cao.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc mà các cấp, các ngành của Hà Nội đã giải quyết được trong 5 năm qua, thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU, ngày 25/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về "Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội". Đây là giải pháp sáng tạo, đột phá, đi đầu cả nước trong thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Trịnh Huy Thành cho biết, Quyết định số 2200-QĐ/TU thật sự là "chìa khóa" quan trọng để giải quyết, tháo gỡ nhiều vướng mắc từ cơ sở. Theo Quy chế, việc tiếp xúc, đối thoại được thực hiện định kỳ hằng năm, tiến hành thường xuyên tại các hội nghị tiếp xúc cử tri và tổ chức đột xuất theo yêu cầu thực tiễn công tác đặt ra. Quy chế quy định rõ, chậm nhất là 10 ngày làm việc, văn phòng cấp ủy, văn phòng Ủy ban nhân dân thông báo ý kiến kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đến các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, giải quyết kiến nghị của nhân dân (trừ những nội dung đã được làm rõ tại hội nghị). Chậm nhất là 30 ngày làm việc sau khi có thông báo trên, các cơ quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về kết quả xem xét, giải quyết đến người có ý kiến và cơ quan, đơn vị có liên quan.

Ngay sau khi được ban hành, các cấp ủy trong toàn Đảng bộ thành phố đã nghiêm túc triển khai thực hiện Quyết định đến 100% các chi bộ, tổ dân phố và nhân dân. Một số quận, huyện đã cụ thể hóa quy chế của thành phố, ban hành quy chế thực hiện tại địa phương như Hà Đông, Hoàng Mai...; chỉ đạo đưa công tác tiếp xúc, đối thoại vào nhiệm vụ công tác hằng năm, xây dựng kế hoạch tổ chức cụ thể; thường xuyên tuyên truyền về kế hoạch đối thoại, thông báo kết luận sau các buổi tiếp xúc, đối thoại đến với người dân. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội nắm chắc và dự báo tình hình từ cơ sở, những vấn đề bức xúc, nổi cộm để báo cáo với cấp ủy, trao đổi với chính quyền trước khi tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại; có trách nhiệm giám sát việc thực hiện kết luận sau tiếp xúc đối thoại.

Tăng niềm tin, giảm bức xúc

Với cách làm vừa chủ động, bài bản như vậy, từ năm 2017 đến nay, ở cấp thành phố đã tổ chức được 14 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Toàn thành phố đã có hơn 2.500 lượt người tham gia hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của các đồng chí Thường trực Thành ủy với gần 300 ý kiến góp ý, kiến nghị, hầu hết các ý kiến đều được tiếp thu, giải quyết. Ngoài ra, khi xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường, lãnh đạo thành phố đã xuống tận nơi để đối thoại với người dân, một số việc đã "êm" trở lại.

Sự gương mẫu, quyết liệt ở cấp thành phố như vậy đã tạo sự lan tỏa đến các cấp, các ngành. Cấp quận, huyện, thị xã đã định kỳ tổ chức được 208 hội nghị, thu hút 46.474 lượt người tham gia với 8.567 lượt ý kiến, kiến nghị; 98,4% lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời theo quy định. Cấp xã tổ chức được 2.955 hội nghị, thu hút 280.343 lượt người tham gia với 42.386 lượt ý kiến góp ý, kiến nghị; 97% lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời… Bên cạnh đó, các cấp còn tổ chức hàng nghìn cuộc đối thoại đột xuất với hàng chục nghìn ý kiến, trong đó hầu hết ý kiến đều được tiếp thu, trả lời. Các ý kiến vượt thẩm quyền đã được tiếp thu và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện hiệu quả công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân theo Quyết định số 2200-QĐ/TU, số lượng khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố đã giảm rõ rệt. Năm 2017, thành phố đã tiếp nhận 7.214 đơn khiếu nại và 5.146 đơn tố cáo; đến năm 2021, thành phố chỉ còn tiếp nhận và xử lý 446 đơn khiếu nại, 254 đơn tố cáo và 1.748 đơn kiến nghị, phản ánh, nặc danh. Qua các ý kiến góp ý của nhân dân về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên rõ rệt, có thái độ ứng xử đúng chuẩn mực với người dân. Kết quả này đã cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của các cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai có hiệu quả Quyết định số 2200-QĐ/TU, qua đó phát huy dân chủ ở cơ sở, góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

(Còn nữa)

KHẢI LÂM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hieu-qua-tu-cong-tac-doi-thoai-post720941.html