Hiệu quả từ Dự án phi chính phủ CWS tại Quân Chu

Giai đoạn 2013-2020, thị trấn Quân Chu (Đại Từ) được Dự án Church World Service (CWS) - một tổ chức phi chính phủ ở Mỹ - tài trợ với nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường, phát triển giáo dục, y tế. Với cán bộ và người dân nơi đây, dự án như 'thổi một luồng gió' mang lại diện mạo, sức sống mới cho thị trấn, đặc biệt là giúp họ thay đổi nhận thức về giữ gìn vệ sinh môi trường, phát triển cộng đồng.

Thư viện xanh - một trong những công trình, hạng mục Dự án CWS đầu tư cho Trường TH và THCS thị trấn Quân Chu.

Từ nhiều năm nay, thay vì đốt, vứt rác thải nhựa ra môi trường hay bán phế liệu, bà Phạm Thị Quyên ở tổ dân phố 4 lại gom chúng lại, vệ sinh sạch rồi nhồi chặt vào những chiếc chai, lọ nhựa để tạo thành viên gạch sinh thái. Bà tự làm những viên gạch như thế đến khi nhiều thì mang ra nhà văn hóa để cùng Chi hội Phụ nữ xây bờ rào, khuôn viên. Việc làm những viên gạch đó trước đây rất xa lạ nhưng giờ đã trở thành thói quen, công việc hàng ngày của bà.

Bà Quyên bảo: Làm vậy vừa hạn chế xả rác từ nilon ra môi trường vừa sử dụng vào việc hữu ích. Với rác thải từ vỏ các loại rau củ quả thì tôi đào hố, chôn ngoài vườn làm phân bón. Vậy nên trong nhà lúc nào cũng sạch sẽ, không có rác tồn ứ.

Chị Trần Thị Hiếu, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Quân Chu cho biết: Năm 2019, được sự tập huấn, hướng dẫn của cán bộ CWS, mô hình gạch sinh thái được thực hiện ở Chi hội Phụ nữ TDP 4. Đến nay, mô hình nhân rộng tới 4 chi hội và sản xuất được hàng nghìn viên gạch, làm thành 13 chiếc ghế, 2 chiếc bàn và trên 100m tường rào mang hình thù độc đáo, màu sắc bắt mắt, tạo điểm nhấn để “bức tranh” quê thêm sống động.

Thị trấn Quân Chu có 13 xóm với trên 1.000 hộ dân, 4.000 nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 20%. Tiếng là thị trấn, nhưng điều kiện kinh tế, xã hội, trình độ dân trí của người dân còn nhiều hạn chế. Từ năm 2013 trở về trước, người dân thờ ơ, xem nhẹ vệ sinh môi trường; xả rác thải bừa bãi ra sông, suối

Cùng với làm gạch sinh thái, người dân thị trấn còn được Dự án tổ chức truyền thông về tác hại của việc không có nhà tiêu và nhà tiêu không hợp vệ sinh (HVS); tập huấn kỹ thuật xây dựng nhà tiêu HVS; hướng dẫn phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nhà bằng mô hình vòng tròn chuối; ủ phân chuồng bằng men vi sinh; mô hình bể lọc cát sinh học – Biosand.

Với phương pháp tuyên truyền trực quan, sinh động, cầm tay chỉ việc, theo dõi giám sát cộng đồng tiến trình thực thiện và có cơ chế động viên, khen thưởng nên dần dần chương trình đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới tại 13/13 xóm.

Trước khi thực hiện Dự án, có 418 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh/1.009 hộ (đạt tỷ lệ 41,42%), trong đó có 127 hộ chưa từng có nhà tiêu. Đến nay, 13/13 xóm đã được Trung tâm Y tế huyện và Tổ chức CWS công nhận đạt ODF (Cộng đồng 100% hộ gia đình có nhà tiêu và sử dụng nhà tiêu HVS).

Ngoài các hoạt động hỗ trợ về vệ sinh môi trường, dự án còn tập trung hỗ trợ về giáo dục, y tế, thúc đẩy trách nhiệm cộng đồng.

Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 4, thị trấn Quân Chu dọn dẹp vệ sinh môi trường, làm những viên gạch sinh thái từ rác thải nilon.

Tại Trường Mầm non thị trấn Quân Chu, nơi có 38% học sinh dân tộc thiểu số, những năm trước đây, điều kiện đi lại, dạy và học của cô và trò gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi khảo sát, đánh giá hiện trạng, Dự án CWS đã đầu tư, hỗ trợ Nhà trường nhiều hạng mục như: Công trình 4 phòng học tại điểm trường Cơ khí Công trình; hệ thống mái hiên, đường hành lang, đồ dùng nhà bếp cho học sinh, bồn rửa tay và một số vật dụng, thiết bị khác cho học sinh với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng.

Cô giáo Trần Hương Trà, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Sự hỗ trợ của Dự án có ý nghĩa rất lớn, giúp Trường khắc phục những khó khăn trong dạy và học. Không chỉ hỗ trợ về vật chất, Dự án còn tổ chức nhiều chuyên đề tập huấn, nhất là về phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; các kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ; ứng dụng công nghệ thông tin…

Còn Trường Tiểu học thị trấn Quân Chu (nay là Trường TH và THCS thị trấn Quân Chu) được Dự án hỗ trợ thư viện xanh, bếp đa năng, công trình vệ sinh, bình nóng lạnh, téc nước, bồn rửa tay…

Học sinh và giáo viên Nhà trường cũng được tham gia các lớp tập huấn về phòng, chống bạo lực học đường, tai nạn thương tích, an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường… Sự hỗ trợ từ Dự án, nhất là từ thư viện xanh đã khuyến khích học sinh đọc sách, giúp các em phát huy khả năng sáng tạo, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống ngay.

Đồng chí Lê Chí Thanh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Quân Chu nhấn mạnh: Dự án triển khai nhiều hoạt động thiết thực, qua đó đã làm thay đổi nhận thức, tư duy của nhân dân về vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ; nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Chúng tôi cũng học hỏi được từ Dự án về phương pháp làm việc, cách thức tuyên truyền người dân trong triển khai các phong trào, hoạt động của xã. Dự án kết thúc từ năm 2020, nhưng chúng tôi chỉ đạo các xóm tiếp tục duy trì các hoạt động về giữ gìn bảo vệ môi trường; áp dụng những kiến thức được Dự án tập huấn vào sản xuất, sinh hoạt hàng ngày...

Lưu Phượng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/xa-hoi/hieu-qua-tu-du-an-phi-chinh-phu-cws-tai-quan-chu-292859-85.html