Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học được xem là giải pháp giúp nông dân bảo vệ đàn vật nuôi, tăng hiệu quả đầu tư, hướng đến phát triển bền vững.

Mô hình chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học của gia đình anh Nguyễn Ngọc Sử

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá thịt thương phẩm lại bấp bênh và dịch bệnh luôn rình rập. Trước thực trạng đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học được xem là giải pháp giúp nông dân bảo vệ đàn vật nuôi, tăng hiệu quả đầu tư, hướng đến phát triển bền vững.

Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, anh Nguyễn Ngọc Sử, ngụ tại ấp Đông Tiến, xã Tân Đông, huyện Tân Châu áp dụng phương pháp chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học. Với mô hình này, anh Sử đã quản lý chặt chẽ từ con giống đến thức ăn chăn nuôi.

Theo đó, anh Sử đã sử dụng các phế, phụ phẩm như: xác đậu nành, bã bia, đạm cá, ấu trùng ruồi lính đen đem xay trộn lại để làm thức ăn cho heo. Ngoài ra, anh Sử còn sử dụng mật ong và rỉ mía pha với nước cho heo uống. Trung bình, mỗi lứa heo nuôi theo mô hình này khoảng 4 tháng, heo đạt trọng lượng từ 100kg đến 110kg/con, với chi phí thức ăn chỉ hết 1,5 triệu đồng/con.

Anh Sử chia sẻ, đàn vật nuôi là tài sản lớn của nhà nông. Để chăn nuôi hiệu quả, người chăn nuôi phải luôn chú trọng đến phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tìm hiểu các bệnh thường xảy ra trên đàn heo để có hướng ngăn ngừa. Chuồng trại phải luôn được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, phân heo phải được rải vôi hoặc ủ men vi sinh để khử khuẩn mầm bệnh, bảo vệ môi trường.

“Mô hình chăn nuôi này yêu cầu người chăn nuôi phải quan sát đàn heo hằng ngày để bổ sung dưỡng chất cho heo. Nhưng hiệu quả mang lại là sẽ giảm chi phí thức ăn khoảng 50%, chất lượng thịt rất ngon. Từ đó, giúp heo ít gặp bệnh tật, sinh trưởng rất tốt”- anh Sử nói.

Cuối năm 2020, khi bắt đầu nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, anh Sử chỉ dám thử nghiệm với 10 con giống. Tuy nhiên, hiệu quả từ quá trình chăn nuôi đem lại rất khả quan, nên gần đây anh Sử đã liên kết với Hợp tác xã dịch vụ và thương mại Tân Châu để mở rộng và phát triển mô hình lên hơn 100 con và đăng ký chăn nuôi theo quy trình VietGAHP.

Anh Sử cho biết, trong thời gian tới, anh sẽ tăng đàn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho nông dân để cùng hưởng lợi, cùng sản xuất ra những sản phẩm sạch, bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng.

Ông Trần Minh Bằng- Giám đốc HTX dịch vụ và thương mại Tân Châu cho biết: "HTX đang làm dự án trình Liên minh HTX tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về chăn nuôi và nhân rộng mô hình. Hiện tại thì chúng tôi đang nuôi thử nghiệm trước mắt là 200 con, nếu dự án này thành công thì chúng tôi sẽ nhân rộng lên từ 1.000 đến 2.000 con".

Tại trại chăn nuôi của Công ty TNHH MTV trà Tâm Lan hiện nay duy trì chăn nuôi gần 1.000 con bò thịt và gần 500 con heo. Do áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, xây dựng chuồng trại khép kín, có hệ thống xử lý nước thải và chất thải nên mang lại lợi nhuận rất cao, vừa bảo vệ môi trường, vật nuôi phát triển rất tốt.

Bà Võ Thị Lấn- Giám đốc Công ty TNHH MTV trà Tâm Lan chia sẻ: "Tất cả dây chuyền chăn nuôi khép kín. Về nước thải được đưa xuống hồ chứa, sau một tuần khử mùi sẽ dùng để tưới cỏ, để hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học. Song song đó, phân bò, phân heo được sử dụng để nuôi trùn quế. Phân trùn quế được sử dụng bón cho cây dược liệu sản xuất trà".

Theo bà Lấn, chăn nuôi theo mô hình khép kín, an toàn sinh học không chỉ giúp ngăn chặn tốt dịch bệnh mà còn giúp doanh nghiệp có thêm nguồn thu từ việc bán phân trùn quế. Hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp bán được từ 2-3 tỷ đồng từ tiền phân trùn quế.

Có thể nói mô hình nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học đang trở thành xu thế tích cực trong chăn nuôi. Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh thu hút khá nhiều các dự án nông nghiệp công nghệ cao cả trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, sơ chế. Đến nay, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt trên 25%, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 13,5%, tỷ lệ sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tốt (GAP) đạt 15,1%, góp phần nâng giá trị bình quân thu được đạt trên 100 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: “Chúng ta cần áp dụng nông nghiệp công nghệ cao để làm sao tăng được chất lượng sản phẩm, giảm được giá thành, giảm bớt lao động thủ công và tiến tới chiếm lĩnh được những thị trường, đầu tiên là trong nước, sau đó là thế giới. Để làm được việc này thì phải có những chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, về đất đai để người dân cũng như doanh nghiệp tiếp cận được với nông nghiệp công nghệ cao”.

Có thể nói, với sự giúp sức của khoa học công nghệ được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống vật nuôi; kỹ thuật chăn nuôi; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch… đã tạo ra giá trị mới cho chăn nuôi, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng.

Vũ Nguyệt

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-chan-nuoi-theo-huong-an-toan-sinh-hoc-a142785.html