Hiệu quả từ mô hình CLB 'Phụ nữ dân tộc với pháp luật'

Bộ NN&PTNT được giao chủ trì tổ chức thực hiện Tiểu đề án 1 'Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn cho người dân nông thôn' thuộc Đề án 'Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số'…

Biến hóa đa dạng các hình thức tuyên truyền

Từ đó, mô hình CLB "Phụ nữ dân tộc với pháp luật" được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước. Có thể nhắc đến những CLB hoạt động hiệu quả như: CLB “Phụ nữ dân tộc với pháp luật” xã Đồng Vương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

CLB này được thành lập tháng 11-2010 với 90 thành viên, phụ nữ là người dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Trong đó, hội viên trẻ tuổi nhất là 20 tuổi, hội viên cao tuổi nhất là trên 80 tuổi. Đây là một trong 10 mô hình điểm thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn quốc.

Ngay từ khi ra đời, CLB duy trì sinh hoạt thường xuyên theo các chủ đề về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; buôn bán phụ nữ trẻ em; hôn nhân gia đình… Tại buổi sinh hoạt, phụ nữ dân tộc thiểu số ở các thôn, bản tập trung trao đổi, thảo luận về những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống như: Nạn tảo hôn, tranh chấp tài sản, khiếu kiện vượt cấp, bảo vệ rừng…

Với những buổi sinh hoạt như vậy đã giúp chị em nâng cao hiểu biết luật pháp, thay đổi một số quan niệm lạc hậu trong cuộc sống và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

CLB “Phụ nữ dân tộc với pháp luật” xã Đồng Vương sinh hoạt định kỳ 1 năm 2 lần. Ngoài sinh hoạt định kỳ tại xã, Ban chủ nhiệm CLB còn tổ chức tuyên truyền pháp luật thông qua những cuộc họp, Hội nghị ở các thôn, bản.

Tại đây, CLB đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách mới thông qua sinh hoạt tổ chức hội và tư vấn trợ giúp pháp lý trực tiếp. Để các văn bản luật dễ đi vào đời sống, dễ hiểu, dễ nhớ, CLB phụ nữ dân tộc với pháp luật xã Đồng Vương đã vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền: Dựng các vở kịch, tiểu phẩm; thi hái hoa dân chủ, đố vui, văn nghệ.

Bên cạnh đó, CLB còn tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa và phổ biến pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh...

Hoạt động của CLB được đánh giá là đã giúp cho chị em hiểu thêm về quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, thực hiện đúng quy định của pháp luật. Qua các buổi sinh hoạt, mỗi thành viên đều nâng cao kiến thức pháp luật và trở thành những tuyên truyền viên tích cực ở làng, bản. Nhờ vậy, nội dung văn bản pháp luật được chuyển tải rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân.

Không chỉ thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, CLB phụ nữ dân tộc với pháp luật xã Đồng Vương còn thường xuyên quan tâm đến đời sống, tâm tư của các chị em.

Phụ nữ dân tộc thiểu số tìm hiểu kiến thức xây dựng gia đình no ấm.

Hiệu quả được cảm nhận rõ

Tháng 6-2014, CLB "Phụ nữ dân tộc với pháp luật" của Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, thu hút trên 40 hội viên là chị em phụ nữ người dân tộc Khmer trên địa bàn ấp 7, xã Vị Tân tham gia. 2 tháng/lần, các hội viên lại quây quần tại nhà của chị Thị Tre để tổ chức sinh hoạt. Các chị em được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tuyên truyền, phổ biến nhiều quy định của pháp luật như: Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Đất đai, Bộ luật Hình sự (sửa đổi)…

Đa số bà con Khmer ở đây chủ yếu sống bằng nghề làm nông nên đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ học vấn cũng không cao. Từ khi tham gia vào CLB, nhiều người mới biết được như thế nào là bình đẳng giới và quyền, vai trò của người phụ nữ trong gia đình.

Nhằm tạo không khí sôi nổi trong mỗi kỳ sinh hoạt, CLB còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, trả lời câu hỏi. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã còn phối hợp với trợ giúp viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh xuống tham gia các buổi sinh hoạt của CLB để tuyên truyền, giải đáp những vướng mắc về pháp luật cho hội viên.

Theo chị Nguyễn Thị Kiểu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vị Tân, trước đây, địa bàn ấp 7 thường xuyên xảy ra các vụ việc mâu thuẫn, bạo lực gia đình, tranh chấp tiền bạc, từ khi CLB “Phụ nữ dân tộc với pháp luật” được thành lập và thu hút được sự tham gia của phần lớn chị em trong ấp, thì các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp cũng giảm dần, tình trạng vi phạm pháp luật cũng rất ít khi xảy ra.

Tại các buổi sinh hoạt, các chị còn tham gia đóng góp vào tổ hùn vốn trong CLB để tương trợ, giúp nhau sản xuất, ổn định cuộc sống. Một thành viên CLB chia sẻ, việc tham gia vào những mô hình như CLB “Phụ nữ dân tộc với pháp luật” đã dần tạo nên thói quen sống và làm việc theo pháp luật; hàng tháng, tại các buổi sinh hoạt các chị đều rất tích cực tham gia, mạnh dạn đưa ra quan điểm về những vấn đề mình thắc mắc, nên không khí những buổi sinh hoạt cũng rất vui tươi, sôi nổi.

Có thể thấy, hiệu quả bước đầu của mô hình CLB này đã góp phần thay đổi nhận thức của phụ nữ dân tộc. Cần lấy những điển hình này nhân rộng để qua đó nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Từ đó, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ dân tộc trong gia đình.

Hiện tại, để nâng cao kiến thức cho hội viên, CLB phụ nữ dân tộc với pháp luật xã Đồng Vương đã xây dựng tủ sách pháp luật với hơn 300 đầu sách để chị em tìm hiểu những vấn đề thiết thực liên quan đến lợi ích của gia đình. Ngoài ra, Ban chủ nhiệm CLB còn trực tiếp tư vấn cho hội viên về những vấn đề nảy sinh cũng như cách giải quyết mâu thuẫn, để không xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật. Qua đó, giúp địa phương hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, tình hình an ninh chính chính trị trật tự ATXH trên địa bàn xã được giữ vững.

Đỗ Phương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-clb-phu-nu-dan-toc-voi-phap-luat-121988.html