Hiệu quả từ mô hình liên kết sản xuất, chế biến miến đao Thành Sơn

Chi cục quản lý chất lượng (QLCL) Nông lâm và thủy sản, Sở NN&PTNT Lào Cai vừa tổng kết mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miến đao an toàn tại xã Bản Xèo (Bát Xát, Lào Cai).

Đây là mô hình được triển khai nhằm tận dụng thế mạnh từ cây trồng truyền thống của địa phương là cây đao riềng đỏ. Chi cục đã phối hợp với chính quyền huyện Bát Xát tiến hành khảo sát, triển khai thực hiện mô hình tại 3 thôn San Lùng, Cán Tỷ, Bản Xèo với tổng số 120 hộ tham gia. Các hộ gia đình được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây đao riềng để tạo năng suất cao và phương pháp bảo quản, chế biến miến đao an toàn.

Theo đó, HTX Thành Sơn được thành lập đứng ra thu mua sản phẩm từ các hộ gia đình và tổ chức sản xuất. Cây đao trồng từ khoảng tháng 3 đến tháng 11 thì cho thu hoạch củ. Bột đao riềng đỏ được dự trữ và chế biến thành miến sợi đặc biệt thơm ngon với hương vị riêng biệt. Sợi miến nấu giòn, dai nhưng lại mềm và không bị nát. Nhờ nguồn nguyên liệu đặc biệt khác hẳn với các sản phẩm khác và được minh bạch qui trình sản xuất, chế biến có truy xuất nguồn gốc, miến đao Thành Sơn đã được người tiêu dùng khắp mọi miền ưa chuộng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai trao Chứng nhận chuỗi sản phẩn an toàn cho HTX Thành Sơn

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai trao Chứng nhận chuỗi sản phẩn an toàn cho HTX Thành Sơn

Từ chỗ chỉ có vài ha năm 2012, đến nay vùng nguyên liệu đao riềng đỏ cung cấp cho hợp tác xã Thành Sơn đã lên tới gần 500 ha. Năm 2018, sản lượng miến đao thương phẩm của HTX Thành Sơn Bản Xèo đạt sản lượng 85.700 kg, tăng 35.700 kg so với năm 2017, nâng tổng doanh thu từ 3.5 tỷ đồng năm 2017 lên 6 tỷ đồng năm 2018 tăng 2.5 tỷ đồng.

Đến nay, sản phẩm miến đao Thành Sơn đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc điện tử, sản phẩm được đóng gói trong bao bì và có dán tem truy xuất nguồn gốc. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Là cơ sở tạo đà để xã Bản Xèo mở rộng, phát triển sản xuất bền vững.

Miến đao Thành Sơn được đóng gói và dán tem truy xuất nguồn gốc

Bà Sùng Thị Hồng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát chia sẻ: “Sự thành công của mô hình không chỉ nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy làm nông nghiệp cho bà con mà còn góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Cuối năm 2017, rà soát đói nghèo trên toàn huyện có 8 xã tỷ lệ hộ nghèo trên 80%, đến năm 2018, giảm xuống chỉ còn 3 xã. Hiện, việc phát triển cây Đao giềng đỏ sẽ được đưa vào đề án giảm nghèo của huyện Bát Xát với việc mở rộng và thâm canh diện tích khoảng 200 ha và xây dựng một nhà máy chế biến tinh bột trên vùng nguyên liệu này”.

Cây Đao riềng đỏ bản địa cho ra sản phẩm miến mang hương vị thơm ngon riêng biệt

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết: “Tổ chức các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản gắn với sản xuất đang là hướng đi triển vọng cho phát triển kinh tế của bà con vùng cao trên cơ sở tập trung lựa chọn những loại cây trồng có lợi thế để qui hoạch vùng trồng nhằm hướng đến tổ chức sản xuất nông nghiệp qui mô lớn, tập trung. Mô hình này, nhằm đưa cây đao riềng đỏ bản địa trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của địa phương cùng với các loại cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu, chè, rau trái vụ... để giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo tạo động lực xây dựng nông thôn mới”.

Nguyên Hoa

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-lien-ket-san-xuat-che-bien-mien-dao-thanh-son-post24160.html