Hiệu quả từ mô hình phối hợp xử lý nợ bảo hiểm

Nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động là thực trạng chung của nhiều địa phương đang phát triển công nghiệp, huyện Xuân Lộc cũng không ngoại lệ.

Người lao động làm việc tại một doanh nghiệp dệt may trên địa bàn huyện Xuân Lộc. Ảnh:H.Lộc

Người lao động làm việc tại một doanh nghiệp dệt may trên địa bàn huyện Xuân Lộc. Ảnh:H.Lộc

Tuy nhiên vài năm trở lại đây, nhờ hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH trên địa bàn huyện giảm đáng kể.

* Quyết liệt truy thu nợ bảo hiểm

Theo BHXH huyện Xuân Lộc, năm 2019, chỉ tiêu thu BHXH của địa phương là 288 tỷ đồng và tỷ lệ nợ phải đạt là dưới 1%. Tính đến cuối tháng 11-2019, địa phương còn hơn 130 doanh nghiệp nợ từ 1 tháng trở lên với số tiền hơn 9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,2% trên tổng số thu, nhưng đến cuối tháng 12, số nợ đã giảm còn 3 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ phải thu dưới 1%, đạt chỉ tiêu tỉnh giao và nếu trừ số nợ dưới 1 tháng, tỷ lệ nợ còn 0,6%, vượt chỉ tiêu. Đây là kết quả tốt nhất của BHXH huyện trong nhiều năm trở lại đây.

Ông Trần Minh Hiền, Giám đốc BHXH huyện Xuân Lộc cho biết, để đạt được kết quả trên, cơ quan BHXH huyện đã rất chủ động, quyết liệt phối hợp các sở, ban, ngành như: Phòng Lao động - thương binh và xã hội, Liên đoàn Lao động huyện đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; tham mưu UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của huyện để kiểm tra, nhắc nhở, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm.

Ông Hiền cho rằng, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành mà trực tiếp là đoàn kiểm tra liên ngành, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục nợ. Ví dụ như trường hợp Công ty TNHH một thành viên nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm (xã Xuân Hòa), từ năm 2016 đến nay doanh nghiệp liên tục nợ BHXH, có thời điểm doanh nghiệp nợ trên 20 tháng với số tiền hàng tỷ đồng, nhưng, với sự vào cuộc quyết liệt của BHXH huyện, đoàn công tác liên ngành và BHXH tỉnh, vừa qua, doanh nghiệp này đã khắc phục số nợ đến hết tháng 10-2019. Ngoài ra, 2 doanh nghiệp khác đang nợ BHXH trên 3 tháng cũng hứa khắc phục nợ trong năm nay.

Bên cạnh việc kiểm tra, rà soát hằng tháng, BHXH huyện gửi văn bản nhắc nhở doanh nghiệp nợ, qua 3 lần mà doanh nghiệp chưa khắc phục, BHXH huyện sẽ kiến nghị đoàn kiểm tra liên ngành huyện thanh kiểm tra đột xuất. “Chúng tôi luôn cương quyết thu đúng, thu đủ nhưng cũng linh động đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt nghĩa vụ trong nhiều năm nhưng tạm thời gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh” - ông Hiền cho hay.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Xuân Lộc, thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, bên cạnh phối hợp kiểm tra, giám sát và nhắc nhở, Liên đoàn Lao động huyện thông qua tổ chức Công đoàn cơ sở cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ; tuyên truyền để người lao động biết quyền lợi của mình, đòi quyền lợi khi doanh nghiệp vi phạm.

Khi xảy ra trường hợp doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc nợ lương và bảo hiểm của người lao động, Liên đoàn Lao động huyện sẽ lập tức vào cuộc xác minh thông tin, phối hợp với các cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trả lương, thanh toán tiền nợ BHXH và phối hợp chốt sổ bảo hiểm cho người lao động. Do đó mà trong năm qua không có vụ việc đáng tiếc nào liên quan đến tình trạng nợ BHXH của doanh nghiệp xảy ra trên địa bàn huyện.

* Tích cực phát triển đối tượng tham gia

Không chỉ “mạnh tay” với doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH, huyện Xuân Lộc cũng quan tâm đến công tác phát triển mới đối tượng tham gia bảo hiểm nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Cụ thể, huyện cho thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH với sự tham gia của các ban, ngành đoàn thể, chính quyền các xã, trong đó trọng tâm là BHXH huyện. Tùy theo từng nhóm đối tượng, các thành viên ban chỉ đạo sẽ có cách tiếp cận, khai khác. Chẳng hạn nhóm khu vực doanh nghiệp, BHXH huyện phối hợp với Chi cục Thuế huyện xuất danh sách những đơn vị, doanh nghiệp có khai báo thuế, quyết toán thuế mà chưa tham gia BHXH, cử nhân viên bảo hiểm cùng với chính quyền địa phương xuống cơ sở xác minh tình trạng hoạt động, số lượng lao động, phân loại quy mô doanh nghiệp và lên kế hoạch phát triển đối tượng. Từ cách làm này, năm qua, BHXH huyện đã thống kê được 140 doanh nghiệp (chủ yếu vừa và nhỏ) có khai báo thuế nhưng chưa tham gia BHXH. Qua làm việc, đã có 30 doanh nghiệp tham gia BHXH. Với nhóm đối tượng là cá nhân đã từng tham gia BHXH hoặc chưa tham gia, BHXH huyện phối hợp với các xã, bưu điện có kế hoạch tuyên truyền về chính sách bảo hiểm cho người dân hiểu và tham gia.

BHXH huyện Xuân Lộc cũng thừa nhận rằng, thực tế hiện nay, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH bắt buộc ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, doanh nghiệp tư nhân nhỏ và siêu nhỏ gặp khó khăn, mặc dù đây là những đối tượng rất tiềm năng nhưng tỷ lệ tham gia còn rất thấp. Do đó, BHXH huyện phối hợp với Chi cục Thuế thống kê số doanh nghiệp đóng thuế chưa tham gia BHXH để yêu cầu các đơn vị này thực hiện theo đúng luật định.

Riêng đối với các nhóm đối tượng khác, BHXH huyện tham mưu cho huyện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH cho từng xã; thành lập quỹ hỗ trợ BHYT cho các đối tượng là hộ nghèo, dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp Phòng GD-ĐT yêu cầu các trường học trên địa bàn vận động phụ huynh học sinh, học sinh, sinh viên tích cực tham gia BHYT. Nhờ đó, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn huyện đạt hơn 90%.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/trangdiaphuong/201912/huyen-xuan-loc-hieu-qua-tu-mo-hinh-phoi-hop-xu-ly-no-bao-hiem-2980915/