Hiệu quả từ mô hình trồng dưa lưới

Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao và ngày càng được người dân trên địa bàn tỉnh quan tâm phát triển. Một trong những mô hình nổi bật hiện nay là, canh tác dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Tại huyện Phú Tân(An Giang), mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của bạn Nguyễn Thị Huyền Trinh Chị (sinh năm 1990, ấp Bình Đông 2, xã Bình Thạnh Đông) là một điển hình.

Mô hình trồng dưa lưới của bạn Nguyễn Thị Huyền Trinh Chị mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp ở địa phương

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ sinh học, năm 2018, Nguyễn Thị Huyền Trinh Chị và một số người bạn có cùng chí hướng làm kinh tế từ nông nghiệp công nghệ cao đã hùn vốn, xây dựng nhà màng, phát triển cây dưa lưới tại địa bàn xã Tân Hòa với diện tích 1.000m2. Đây là mô hình trồng dưa lưới đầu tiên được triển khai trên địa bàn huyện Phú Tân.

Mô hình sản xuất sản phẩm sạch, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ. Do việc canh tác trong nhà màng nên mô hình có nhiều ưu điểm nổi bật, như: quản lý cây trồng tốt hơn, giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập; giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm sạch và an toàn sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.

Ngoài ra, việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt làm chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi công chăm sóc phải tỉ mỉ; người trồng phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mới có thể thành công.

Thông thường, một vụ sản xuất dưa lưới dao động trong khoảng thời gian từ 80-90 ngày nên Trinh Chị có thể canh tác nhiều vụ trong 1 năm. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác, mỗi vụ Trinh Chị thu về lợi nhuận 50 triệu đồng, có công ty đến ký kết hợp đồng thu mua dưa lưới tại chỗ. Thấy được hiệu quả kinh tế, Trinh Chị tiếp tục mở rộng thêm 1 nhà màng trồng dưa lưới với diện tích 1.000m2.

Vụ gần đây nhất, gia đình Trinh Chị thu hoạch khoảng 3 tấn trái mỗi nhà trồng, với giá bán trên 30.000 đồng/kg. “Hiện nay, diện tích dưa lưới đang vào vụ thu hoạch, vụ mùa này do ảnh hưởng tình hình thời tiết nên năng suất dưa lưới không cao hơn so với những vụ sản xuất trước. Tuy nhiên, lợi nhuận mang lại hứa hẹn sẽ khả quan hơn” - Trinh Chị chia sẻ.

Ngoài canh tác dưa lưới, Trinh Chị còn nghiên cứu, phát triển thêm sản phẩm rượu dưa lưới với hương vị khá độc đáo. Theo Trinh Chị, trong quá trình thu hoạch, bên cạnh số dưa đạt chuẩn vẫn còn khoảng 100-200kg dưa không đáp ứng yêu cầu, như: kích thước, trọng lượng, ngoại hình… Số dưa lưới này xét về chất lượng vẫn tươi ngon không khác gì dưa đạt chuẩn, bán lẻ ra ngoài thì tiếc, ảnh hưởng uy tín của cơ sở. Sau khi tìm hiểu thông tin trên Internet, cùng với những kiến thức chuyên ngành đã được tiếp thu từ quá trình học tập, Trinh Chị quyết định thử sức ở lĩnh vực mới, đó là dùng nguồn nguyên liệu này để làm rượu dưa lưới.

Dưa được sơ chế, ngâm ủ với đường phèn, đường cát, sau thời gian tiếp tục ngâm rượu cao độ, qua 4 tháng ngâm sẽ cho thành phẩm là rượu với mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm dễ uống, màu vàng tự nhiên của dưa. Ý tưởng của Trinh Chị được Huyện đoàn Phú Tân chọn tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh” năm 2019. Sản phẩm được đánh giá cao bởi hương vị mới và chất lượng an toàn cho người sử dụng.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của chị Nguyễn Thị Huyền Trinh Chị có nhiều triển vọng để phát triển ở địa phương, trong đó có triển vọng về hiệu quả kinh tế. Qua mô hình sản xuất dưa lưới của Trinh Chị tạo điều kiện cho người dân địa phương tiếp cận những kỹ thuật sản xuất mới, công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, mô hình sản xuất này cũng bộc lộ những khó khăn nhất định, trong đó nguồn vốn đầu tư xây dựng phát triển mô hình tương đối cao. Ngoài ra, việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi người trồng phải có kiến thức trong việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mới cho vụ dưa đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thời gian tới, nếu nhận được sự hỗ trợ của ngành chức năng, Nguyễn Thị Huyền Trinh Chị dự định sẽ tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất dưa lưới nhiều tiềm năng này.

ĐỨC TOÀN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-trong-dua-luoi-a297186.html