Hiệu quả từ tập hợp, đoàn kết, xây dựng đội ngũ trí thức

Trong mọi thời đại, trí thức (TT) luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ TT là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá TT. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện đại, đội ngũ TT trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Đó là quan điểm được nêu ra trong Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về 'Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước'.

Hội thảo khoa học “Giải pháp thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”.

Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Theo đó, Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) tổ chức triển khai, quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW; kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy đến toàn thể cán bộ, đảng viên hội viên trong hệ thống Liên hiệp hội (LHH) cũng như các cấp, ban, ngành. LHH cũng đã thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN trong tỉnh, thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với đội ngũ TT. Thông qua các hoạt động của mình, LHH đã tập hợp được cán bộ, hội viên từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay, LHH đã thu hút gần 23.000 hội viên, trong đó, số hội viên có trình độ từ đại học trở lên chiếm 42,5%, gồm 199 tiến sĩ, 1.410 thạc sĩ và tương đương, 8.095 đại học. Đây là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động nghiên cứu KH&CN, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tư vấn phản biện và giám định xã hội.

Từ việc khẳng được vị trí, vai trò của mình trong tập hợp, xây dựng đội ngũ TT KH&CN, LHH thường xuyên tổ chức hội nghị triển khai, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, hội viên để kịp thời nắm bắt thông tin; tổ chức các hội thảo, diễn đàn khoa học, tạo điều kiện để TT phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, đóng góp ý kiến về những vấn đề hệ trọng góp phần phát triển quê hương, đất nước. Những ý kiến đóng góp của đội ngũ TT Thanh Hóa thông qua LHH ngày càng có ý nghĩa, giá trị về mặt khoa học, thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn, phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. 5 năm gần đây, LHH tổ chức hàng chục hội nghị lấy ý kiến đội ngũ TT KH&CN tỉnh nhà đóng góp ý kiến vào 36 dự thảo văn bản pháp luật (luật, nghị định...) của Trung ương theo yêu cầu của Đoàn ĐBQH tỉnh; đóng góp ý kiến vào 240 dự thảo văn bản có tính quy phạm pháp luật của Trung ương, của HĐND và UBND tỉnh.

Đặc biệt, nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ TT, LHH đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào thực tiễn đời sống với nhiều kết quả tích cực. Tính từ khi thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW đến nay, các hội thành viên và cơ quan Thường trực LHH đã triển khai trên 800 đề tài, dự án KH&CN, trong đó, có 17 dự án của các tổ chức quốc tế. Các đề tài, dự án được triển khai thực hiện đều bám sát yêu cầu thực tiễn, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ví như, Dự án “Bảo tồn và phát triển bền vững rừng luồng bản địa Thanh Hóa”; Dự án “Quản lý lưu vực đầu nguồn có sự tham gia của cộng đồng tại huyện Bá Thước” và Dự án “Nâng cao hiệu quả hợp tác và học hỏi của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam - ENABLE”, do tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam tài trợ... Hội Dân tộc học và Nhân học hoàn thành việc sưu tầm và xây dựng bộ chữ Nôm Dao Thanh Hóa (1.140 chữ) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 877/QĐ-UBND. Đây là bộ chữ Nôm Dao đầu tiên của cả nước để dạy cho người dân tộc Dao trong tỉnh. Hội Khoa học lịch sử đã chủ trì, phối hợp thực hiện 10 cuộc hội thảo khoa học có giá trị lịch sử, góp phần làm sáng rõ hơn nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa trên quê hương. Hội Di sản văn hóa và Cổ vật Thanh Hoa đã tổ chức xây dựng đề án trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận việc khôi phục nghề đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Có thể thấy, những ảnh hưởng và lợi ích từ việc tập hợp, thu hút TT phục vụ phát triển quê hương, đất nước là không hề nhỏ. Sự tham gia tích cực của lực lượng TT đã làm cho các lĩnh vực như, hợp tác và chuyển giao công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn chính sách, nghiên cứu khoa học... không ngừng được phát triển và mang lại những giá trị to lớn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Với ý nghĩa đó cũng như trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh, trong thời gian tới, LHH tiếp tục phát huy vai trò, tiềm năng trí tuệ của đội ngũ TT tỉnh nhà tiến quân mạnh mẽ vào các lĩnh vực phát triển KH&CN; không ngừng nâng cao chất lượng công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội; đi đầu trong việc tuyên truyền, phổ biến TT khoa học cho cán bộ, nhân dân để xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho lực lượng TT, tích cực đưa KH&CN trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/hieu-qua-tu-tap-hop-doan-ket-xay-dung-doi-ngu-tri-thuc/112040.htm